Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Trần Thị Hiền chuẩn bị trà cho khách trước giờ đi thăm chợ. |
Đoàn chúng tôi đi theo vợ chồng chủ tịch cộng đồng người Việt, anh chị Nguyễn Đức Mạnh – Trần Thị Hiền và chị Đỗ Thị Tươi, chị Phạm Hương Giang, hai phó chủ tịch cộng đồng, ra thăm chợ của người Việt ở Limassol, nằm ngay cạnh phố chính sát bờ biển tuyệt đẹp của thành phố.
Đối với chúng tôi đây là điều may mắn, vì chợ chỉ có duy nhất vào ngày chủ nhật. Trên đường đi, chị Trần Thị Hiền cho biết: “Ngày chủ nhật các chị em ra đấy thứ nhất là để tập trung nói chuyện, chia sẻ. Các chị em cũng chăm chỉ, làm trang trại thì mang rau, củ quả của Việt Nam sang trồng để bán.
Nói chung là ở chợ Việt Nam không thiếu bất cứ một thứ gì cả, giá cả còn rẻ hơn ở Việt Nam. Limassol là trung tâm về tài chính của Síp. Người Việt phần đông vẫn là đi lao động, chăm sóc ông bà già”
Nói là chợ, kỳ thực là một cái chợ tạm be bé trong hẻm nhỏ bên hông tòa nhà chung cư sát đường, có những gian hàng rau nhỏ, gian hàng bánh cuốn, giò chả, cả quần áo nữa.
Thế mà cũng có những hương vị đặc trưng của gia vị, của rau thơm từ chợ Việt Nam. Dường như chợ chỉ là cái cớ, để người Việt một tuần có thể có cơ hội gặp nhau trò chuyện một lần.
Chị Tuyến quê ở Thái Nguyên, miệng cười mắt cười bảo 11 năm chưa được ăn Tết ở Việt Nam, dù có về quê hai lần. Làm bánh cuốn chỉ là phụ thêm để bán ngày chủ nhật, cũng như khi có khách đặt, vì việc chính của chị là giúp việc trông người già, rồi đi làm thêm việc dọn nhà.
Công việc bận mọn mà lúc nào cũng thấy cười, chị Tuyến "bánh cuốn" bảo, ở Limassol này, bánh cuốn của chị là ngon nhất! |
Vừa thoăn thoắt làm cho khách, chị vừa vui vẻ kể, khách ăn quen có cả người Philippines, Trung Quốc: “Gia truyền của mẹ chồng nhà tôi ở Việt Nam là bánh cuốn. cho nên sang đây tất cả bánh cuốn của tôi là ngon nhất, ai cũng khen. Ở đây bây giờ toàn đồ Việt Nam, người ta gửi sang mình làm.” - Chị kể.
Ông Tonis Antoniou,, người chịu trách nhiệm quản lý chợ, tay bắt mặt mừng khi gặp Chủ tịch cộng đồng người Việt, anh Nguyễn Đức Mạnh . |
Ông Tonis Antoniou, người có trách nhiệm quản lý khu chợ trời của người Việt nói rằng, thời kỳ đầu, người Việt không biết nên họp chợ cứ tràn ra đường, không đúng luật của thành phố, nhưng sau này, được sự vận động của Hội người Việt, chợ đã đi vào nề nếp: “Người Việt sang đây sinh sống lập ra cái chợ nho nhỏ này. Là người hỗ trợ quản lý chợ Việt ở đây, tôi thấy rất vui vì người Việt rất vui vẻ, đoàn kết”
Chị Nguyễn Thị Huyền, quê Lục Ngạn (Bắc Giang), sang Síp được 8 năm, từ giúp việc nhà rồi sang lao động ở lò bánh mì, cũng tranh thủ ngày nghỉ đi mua ít gạo, ít café.
Chị Nguyễn Thị Huyền tranh thủ ngày chủ nhật ra chợ mua ít đồ, gặp bạn bè. |
Chị bảo: “Trong tuần những người làm cho chủ không được đi ra ngoài, nên ngày chủ nhật không phải đi làm thì người ta bán hàng, trồng rau… Nói chung là người Việt Nam mình rất chịu khó, đi đâu cũng vậy, nhìn xem ở chợ có thiếu thứ gì đâu… Muốn ăn bún mua xôi, hay cái gì của Việt Nam mình thì cứ chủ nhật ra biển này, cái gì cũng có.”
Đặng Khánh Huyền sang chưa lâu. Với cô, chợ Việt là nơi gặp gỡ các chị em, bạn bè, cũng như học hỏi thêm những kinh nghiệm làm việc. |
Lâu rồi mới có ngày Đặng Khánh Huyền rủ bạn đi chợ, phần vì ở xa muốn đến chợ cũng mất 2-3 tiếng, phần vì mới sang được hơn năm, tiếng chưa biết nhiều.
Cô bảo: “Vì xuống muốn gặp chị em thôi, chứ siêu thị ở đây cũng đầy đủ hết. Mình mong chị em có thể gặp nhau, chia sẻ công việc, gia đình…Khi xa nhà, mình cảm thấy rất quý khi có những đồng hương. Mình muốn tiếp xúc với các chị em để chia sẻ công việc, tiếng hoặc những việc gì làm không biết thì có thể học hỏi. Lâu không gặp nhau vì muốn gặp cũng khó, ai cũng phải làm,chỉ có hẹn nhau ngày chủ nhật”.
Gặp được đồng hương trong nước sang, chị Lê Thị Thúy, quê Yên Dũng, Bắc Giang rưng rưng nước mắt. Chị từng sang Đài Loan làm việc trước khi đến Síp, khi đứa con thứ hai chưa đầy 2 tuổi: “Chị sang đây đến giờ được 13 năm, cuộc sống bên này ban đầu ngôn ngữ bất đồng cũng rất khó, nhưng ở dần dần sẽ quen. Thứ nhất về ngôn ngữ, thứ hai công việc, thứ ba hòa đồng với chủ, dần dần cũng quen thôi. Nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ chồng con…Cháu lớn con trai năm nay 23 tuổi, cháu gái 18. Khi mình đi con có mấy tuổi thôi. Mình cũng nghĩ thôi không làm được gì cho con thì hy sinh tất cả cho con mình đỡ khổ. Con mình không được hơn người thì cũng phải bằng người, thì thôi, mình hy sinh tất cả.”
Chị Tuyến mời chị Thúy: Nào, vào ăn bánh cuốn của chị đi, chụp pô ảnh kỷ niệm nào! Tôi cũng 11 năm rồi chưa về ăn Tết đây! |
Tình cờ làm phiên dịch tiếng Hy Lạp cho chúng tôi, chị Trần Thị Chuyên, người Hải Dương, đã sang lao động tại Síp 12 năm, được chủ cho đi học tiếng Hy Lạp có thể đọc và viết được, là một trong số những thành viên cũng tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng.
Chị Trần Thi Chuyên bảo, cũng tranh thủ ra chợ một chốc một lát thôi, để chào chị chào em, việc của chị cũng còn đang nhiều! |
Bởi vì, như chị chia sẻ, chợ là một điểm gặp gỡ, nhưng Hội người Việt, mà bà con quen gọi là Cộng đồng, đã đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần của những người xa quê như chị: “Khi có Cộng đồng này, làm cho chị em gần gũi nhau, biết đến nhau rất nhiều. Vì cứ một năm một lần tổ chức Tết nguyên đán Việt Nam ở đây, đông lắm. Múa, hát, rồi giao lưu… nói chung là vui. Từ ngày có Cộng đồng vui lên bao nhiêu! Trước kia ngày bọn chị sang chỉ có làm, chị em nào thân thiết nhau thì mới gặp nhau chứ không như bây giờ. Bây giờ có nhiều chương trình, như cho các cháu thiếu nhi, cho mùng 8/3, họ tổ chức vui lắm!”
Ông Tonis trò chuyện với chị Phạm Hương Giang, Phó chủ tịch cộng đồng về tình hình khu chợ. |
Sáu năm rồi chị Thúy chưa về nhà, đường bay quá xa mười mấy tiếng, lại thêm nỗi về rồi lại nhớ người thêm, chị không dám về nhiều. Ở quê cũng đã xây được nhà cửa, nhưng vẫn muốn cố gắng chút nữa cho con cái, chị Thúy tần ngần vì muốn về quê dịp Tết này, mà chủ quý người làm thì cứ cố giữ không cho.
Chị nói, nếu không có những phút gặp nhau nơi xóm chợ, không có những hoạt động chung của cộng đồng, thì quê nhà đã xa càng thêm xa: “Nói chung chị em phụ nữ Việt Nam một lòng chia sẻ cho chồng cho con, nhưng làm sao chồng con cũng phải hiểu cái hoàn cảnh và cái tâm tư của người đi làm xa, đất khách quê người, nỗi nhớ nhà nhớ chồng con như thế nào tất cả dồn nén hết trong lòng. Ngày có thể làm việc nhưng tối về phòng lại rơi nước mắt nghĩ đến chồng đến con. Cứ mỗi dịp Tết đến lại nhớ quê hương, gia đình, cha mẹ, chồng con, anh em, tất cả người thân, chỉ biết dùng nước mắt để cùng công việc hàng ngày thôi. Bởi vì nhớ lắm. Nhìn trên mạng thấy gia đình, còn mình chỉ có một mình nơi xứ người.”
Lúc trước, chị Huyền nói thức gì chợ Việt cũng có, vậy mà cô gái trẻ chúng tôi chưa kịp hỏi tên, đang vội vàng chạy sấp ngửa về cho kịp giờ xe bus, đã kịp rớm nước mắt khi nói với tôi, cô không tìm được chút rau húng quế cho món bún nấu ở nhà chủ. Em nhớ quá, chị ơi, mới sang, gặp cái gì cũng nhớ, mà em nhớ nhất cái mùi rau húng quế, rau mẹ em trồng ở ruộng, em nhớ mẹ. Tết này em không về rồi…
Mọi người trong chợ nôn nao bàn tán chuyện cộng đồng tổ chức Tết cho bà con.
Bên kia góc chợ, biển Limassol xanh ngắt, trời xanh, trong và cao. Biển đẹp như nghìn năm vẫn thế nơi miền đât Địa Trung Hải thần thoại này.
Ở nơi ấy, có những người Việt xa xứ, những anh, những chị, những người bạn đồng bào tôi máu đỏ da vàng, đằng đẵng xa quê cho một tương lai gia đình sáng sủa hơn.
Biển mặn, như nước mắt vẫn nuốt vào lòng, hòa lẫn với tiếng cười, trong câu chuyện đời của họ.