Với tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cùng các cơ quan đại diện và người nhà tại Bắc Kinh, năm nay tiếp tục là một cái Tết đặc biệt.
Đại dịch Covid-19 dường như vẫn đang ở rất gần tại nơi từng là “tâm dịch” toàn cầu này. Vì an toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước, nhiều người trong số họ buộc phải ở lại Bắc Kinh đón Tết, dù luôn khắc khoải nỗi nhớ nhà.
Chị Trần Thị Hà cho biết: “Mỗi năm Tết đến Xuân về là dịp để đoàn viên, sum vầy cùng với gia đình, người thân, bạn bè. Càng gần đến khoảnh khắc giao thừa, tôi lại càng cảm thấy có một nỗi nhớ da diết đối với bố mẹ, đối với những anh chị em của mình, nhưng tôi hiểu đây chưa phải là lúc để trở về bởi vì đại dịch vẫn còn đó, cả nước đang phải gồng mình chống dịch, để mong mang đến một cái Tết yên bình cho người dân. Cũng vì lẽ đó mà gia đình tôi và một số gia đình khác, quyết định ở lại Bắc Kinh đón Tết”.
Dù phải xa quê hương, nhưng họ vẫn cảm nhận được không khí Tết truyền thống của dân tộc. Những cành đào và các món ăn truyền thống là yếu tố giúp tạo nên không khí Tết. Tuy nhiên, để có được đầy đủ bánh chưng, giò và các món ăn dân tộc khác, đó là sự nỗ lực chung của các cán bộ ngoại giao.
Niềm vui được gói bánh chưng, luộc bánh chưng, hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người được may mắn tham gia. Chị Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ: “Năm nay là năm thứ hai tôi trải qua cái Tết trong tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh. Vì đã lâu rồi chưa được trở về quê hương nên cảm giác nhớ nhà càng nhiều hơn. Tuy nhiên cũng may là trong tình hình dịch bệnh nhưng Đại sứ quán vẫn tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng để mọi người được cảm nhận một cái Tết đầm ấm và vui vẻ. Tôi may mắn được trực tiếp tham gia hoạt động gói bánh chưng do Đại sứ quán tổ chức, bản thân cũng lâu rồi chưa gói bánh chưng, nên thấy rất xúc động, như là được trở về với không khí Tết gần gũi ở quê nhà, ở bên người thân, cha mẹ”.
Không may mắn như những người Việt khác, chị Đoàn Thị Quỳnh, 35 tuổi, quê Hải Phòng, đang cùng gia đình ở Thiên Cung Viện, quận Đại Hưng, phía Nam Bắc Kinh hiện vẫn đang bị phong tỏa. Nơi đây từng có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng hôm 17/1. Ngày 6/2, Bắc Kinh tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa 12 khu dân cư tại đây, những tưởng vẫn kịp đón Tết, nhưng khu nhà chị Quỳnh không nằm trong danh sách.
“Tôi cứ ngỡ là khu nhà được dỡ bỏ phong tỏa, nhưng không phải. Chuẩn bị Tết đến nơi rồi mà tôi vẫn chưa sắm sửa được gì cả nên cảm thấy hơi buồn. Tôi ở Trung Quốc 9 năm rồi, chưa bao giờ có cảm giác mất Tết cả. Thế nhưng năm nay mất Tết là có thật” - chị Quỳnh chia sẻ.
Cố gắng tổ chức gặp gỡ cho người Việt xa quê vào dịp Tết là việc làm được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc hết sức quan tâm. Nhưng do dịch bệnh, quy mô hoạt động buộc phải thu hẹp.
Đại biện lâm thời Phạm Thanh Bình cho biết: “Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong tình hình đó, có rất nhiều người, đặc biệt là những người Việt Nam tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những quy định liên quan đến phòng chống dịch bệnh
"Đại sứ quán vẫn tổ chức Tết cộng đồng tuy nhiên với hình thức tiết kiệm, an toàn, vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng các yêu cầu liên quan. Quy mô hoạt động buộc phải thu nhỏ, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ với đồng bào. Nhiều bà con rất mong được tham gia hoạt động năm nay, tuy nhiên không thể thực hiện được do những quy định liên quan đến đi lại và cách ly, do vậy nhân dịp này chúng tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới đến bà con, và cũng mong bà con đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khỏe và đón Tết vui tươi, đầm ấm bên người thân và gia đình”.
Buộc phải xa nhà, xa quê, xa Tổ quốc vào dịp Tết, thậm chí mất Tết đó là gì những người Việt ở Bắc Kinh đang trải qua trong cái Tết thứ hai của mùa dịch Covid-19. Nhưng với ý thức đối với cộng đồng và xã hội, họ nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch của sở tại và trong nước, cố gắng đón một cái Tết với tiêu chí an toàn là trên hết.
Bích Thuận-Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh