Người gốc Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước

Chia sẻ
(VOV5) - Riêng đối với người gốc Việt Nam, dù tên gọi của dự thảo Luật sắp tới thay đổi ra sao cũng nên có giấy tờ để cấp cho bộ phận người Việt này.

Tiếp tục chương trình phiên họp 25, chiều nay (18/8), cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Người gốc Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước - ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: Duy Linh

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 15, đến nay, dự thảo luật Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã bổ sung, điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phân tích: Thứ nhất là đảm bảo việc thực hiện quyền con người của mọi người Việt Nam, được bảo vệ các quyền liên quan tới các giao dịch dân sự hành chính, bảo vệ tài sản. Thứ hai, người Việt Nam dù ở đâu cũng là một bộ phận không nhỏ không tách rời của dân tộc và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Thứ ba, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là góp phần vào việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu làm rõ việc có nên thay đổi tên gọi của dự thảo Luật. Riêng đối với người gốc Việt Nam, dù tên gọi của dự thảo Luật sắp tới thay đổi ra sao cũng nên có giấy tờ để cấp cho bộ phận người Việt này:

Trong dự án Luật này nên làm rõ thế nào là người gốc Việt Nam. Nếu giữ nguyên luật là Luật Căn Cước thì trong điều khoản tổ chức thực hiện nên có điều khoản quy định đối tượng này được cấp thẻ. Tên gọi như nào thì tiếp tục tính. Có thể là Thẻ căn cước hay Thẻ chứng nhận công dân tương tự như Thẻ căn cước công dân. Quy trình thủ tục cấp thẻ thì giống nhau, chỉ khác về tên gọi thẻ. Như vậy sẽ giải quyết được việc cấp thẻ cho bộ phận này.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiếnmột số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu