Làng quê Việt trên đất Lào

Minh Đức
Chia sẻ
(VOV5) -  Người Việt ở làng Xiêng Vang gần như cả đời người chưa được về quê cha đất tổ, nhưng những nét văn hóa của dân tộc vẫn luôn thấm đẫm trong tâm hồn người Việt nơi đây.

Trên đất Lào có một bản làng của người Việt với hình ảnh cây đa bến nước sân đình tồn tại hơn trăm năm nay. Đó là bản Xiêng Vang nằm trên địa phận huyện Noong Bok, tỉnh biên giới Khăm Muộn, giáp với Thái Lan. Dù trải qua thăng trầm theo thời gian hơn thế kỷ, người dân Việt sinh sống nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt và truyền thống văn hóa của người Việt.

Làng quê Việt trên đất Lào - ảnh 1 Đình làng Việt tại Lào

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Làng Xiêng Vang nằm cách trung tâm tỉnh lị Khăm Muộn khoảng 23 km về phía Nam, nằm nép mình bên dòng sông Mê Công hùng vĩ. Nhìn từ xa, làng Xiêng Vang nổi bật và dễ nhận biết nhất so với những ngôi làng khác bởi ngay đầu làng có ngôi đình Việt được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19, nằm ngay cạnh khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua nhiều lần trùng tu, nay ngôi đình được xây dựng bằng bê tông mái ngói 3 gian.

Cụ Nguyễn Văn Lai, năm nay ngoài 80 tuổi cho biết: dù làng trải qua hơn 100 năm, tất cả người Việt ở đây đều sinh ra trên đất Lào, nhưng đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt, như: tục cúng ông bà tổ tiên, ngày tết cổ truyền, ngày tuần rằm mùng một ra Đình thắp hương vẫn được bà con Việt kiều gìn giữ: “Bản làng cũng có làm lễ lên Đình hàng năm có  ngày quan trọng nhất là rằm tháng riêng và rằm tháng 7 làm to nhất. Cả làng có đội tế lễ, mặc áo dài, dâng lợn quay, bánh gai, bánh phở, rượu gạo, sản vật địa phương vào lễ tế thành hoàng làng. Có ông thủ từ, có ông chủ tế làm lễ tế rất lớn cầu cho bản làng bình an, dân làng mạnh khỏe, hạnh phúc”.

Làng quê Việt trên đất Lào - ảnh 2Bà Trần Thị Lương 

Những ngôi nhà Việt ở đây khá đơn sơ nhưng vẫn giữ được nếp nhà Việt với vườn tược, ruộng nương, bờ mương; những cây gạo cổ thụ cỡ 3 người ôm đơm hoa đỏ rực vào những ngày tháng 3 âm lịch hàng năm; cây nhãn, cây xoài và lũy tre làng chạy dọc bờ sông Mê Công. Người Việt nơi đây ngoài làm nông nghiệp còn giữ được nghề cổ truyền của cha ông họ mang từ Việt Nam sang từ trăm năm trước, như: bánh gai, phở khô của Quảng Bình. Bà Trần Thị Lương làm bánh phở hơn 40 năm nay, cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi 3 người làm được 20 kg bánh phở khô. Cả người Việt và người Lào đều rất thích dùng, được lấy buôn về bán ở Viêng Chăn và nhiều tỉnh thành phố của Lào. Do có nghề truyền thống nên cả nhà cũng đủ ăn quanh năm”.

Làng quê Việt trên đất Lào - ảnh 3 Cụ Đặng Văn Hồng năm nay gần 90 tuổi

Cụ Đặng Văn Hồng, người gốc Quảng Bình, theo cha sang đây từ năm 2 tuổi, làm giao liên cho bộ đội Việt Minh và bộ đội Lào thời kháng chiến chống Pháp. Theo cụ, người Việt tính cần cù sáng tạo, và không bao giờ cam chịu, lùi bước trước khó khăn. Càng khó khăn thì tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau - đức tính vốn có của người Việt lại càng trỗi dậy và lớn lao hơn: “Người ta bảo cây đa bến nước sân đình, nhớ làng nhớ xóm nên ai đi cũng trở về làng. Làng có người mất thì cả làng đến chung tay về chôn cất những người có tên tuổi ở đây. Cả người làm ăn xa các tỉnh thành phố hay bên Thái Lan cũng về. 2 là đoàn kết với mình mà đoàn kết với người Lào, cũng được Nhà nước Lào tạo điều kiện sinh sống ở đây, không ai làm ăn phi pháp. Ai cũng hiền lành. Thành thử sự đoàn kết giữa người Việt Nam và Lào rất bền chặt”.

Cũng theo lời cụ Hồng: làng được thành lập từ năm 1882. Ban đầu cả làng chỉ có khoảng 10 gia đình người Việt di cư đến sinh sống và lập ra ngôi làng này. Đây là những người theo phong trào Cần Vương kháng Pháp, bị thực dân Pháp truy đuổi gắt gao nên phải di cư sang vùng đất này. Sau nhiều năm, có thời điểm số người Việt lên tới cả nghìn người ở đây và nay còn lại gần 60 gia đình người gốc Việt sinh sống cùng người dân Lào.

Tên làng Xiêng Vang cũng được người dân đặt theo một cách rất đặc biệt, mang đậm truyền thống: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam: “Xưa các cụ nhà mình sang đây làm bạn với người Lào tên là Xiêng. Sau đó người này đi khỏi làng và để lại cho người Việt khai hoang lập ấp. Người Việt nhớ ơn ông Xiêng nên đặt tên làng là Xiêng. Nhưng Xiêng không thì nghe ngắn quá, nên kết hợp với từ Vang. Vang có nghĩa là vắng lặng, yên tĩnh. Nơi đây rất yên tĩnh. Thế là mọi người khi đó thống nhất đặt tên làng là Xiêng Vang, vừa tưởng nhớ công của người Lào đầu tiên ở đây vừa đặc tả được khu làng yên tĩnh, yên bình”.

Làng quê Việt trên đất Lào - ảnh 4 Ông Chanthakhit Manipacon trả lời phỏng vấn

Nói về cuộc sống của dân làng nơi đây, ông Chanthakhit Manipacon, Trưởng Bản Xiêng Vang nhận xét: “Cộng đồng người Việt tại bản Xiêng Vang này có cuộc sống chan hòa với người Lào, đặc biệt là có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau giữa cộng đồng người Việt với nhau. Cộng đồng người Việt tại đây góp phần phát triển kinh tế khá nhiều vào bản làng này. Ngoài làm nông nghiệp, họ nấu phở, bánh gai. Tôi đánh giá rất cao tinh thần cộng đồng người Việt, không chỉ đóng góp tinh thần, mà còn góp phần nâng cao cuộc sống người dân ở đây”.

Những người Việt sinh sống tại làng Xiêng Vang gần như cả đời người chưa một lần được về quê cha đất tổ. Nhưng những nét văn hóa của dân tộc vẫn luôn thấm đẫm trong văn hóa và tâm hồn người Việt ở nơi đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu