Làm việc thiện, ân tình với quê hương

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Luôn hướng về quê hương, nghĩ về bà con còn khó khăn ở trong nước là mong muốn, tâm niệm hàng ngày, hàng giờ của người Việt ở nước ngoài. 

Giúp đỡ cho người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của  những người Việt sống ở nước ngoài:

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hàng năm, gần Tết Nguyên Đán, người Việt ở các nước lại trở về quê hương. Ngoài công việc làm ăn, kinh doanh, hoặc ở lại Việt Nam đón xuân cùng với người thân,  nhiều  kiều bào còn tham gia các chuyến từ thiện, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Vui vì được làm việc thiện là câu nói mà mỗi khi gặp ông Hoàng Lộc, việt kiều tại Anh luôn chia sẻ. Năm nào, ông cũng kết hợp đưa đoàn Phật tử về làm từ thiện và bản thân gia đình ông, cũng thường xuyên đóng góp cho bà con ở quê nhà. Năm nay, ông lại kết nối cho Đoàn Phật tử chùa Từ Đàm  tại Anh về hỗ trợ người dân ở một số địa phương miền bắc và miền Trung. Những chuyến đi tới các vùng miền, giúp bà con là những hoạt động ý nghĩa đối với kiều bào, góp phần san sẻ những khó khăn với quê hương. Ông Hoàng Lộc  tâm sự:“ Tôi đưa đoàn phật tử về với quê hương, hàng năm 1 lần về ủng hộ cho bà con, những người kém may mắn, chất độc da cam, trẻ mồ côi, những người không nơi nương tựa. Bà con nhận quà của Hội từ thiện. Tôi đi cùng đoàn phật tử mang tiền quyên góp của bà con cộng đồng cho các tỉnh”.

Làm việc thiện, ân tình với quê hương - ảnh 1 Đoàn Phật tử người Việt tại Anh trao quà cho người dân Thừa Thiên Huế. Ảnh: quehuongonline

Những vùng khó khăn ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai…  luôn là điểm hỗ trợ của người Việt ở nước ngoài, trong đó có các nhóm từ thiện từ Đài Loan (Trung Quốc) với nhiều chương trình như tặng áo ấm, hoặc nấu cháo từ thiện cho các mái ấm, nhà mở. Thành viên của nhóm hầu hết là phụ nữ Việt đang sống và làm việc tại Đài Loan.  Chị Trần Bạch Phượng, một phụ nữ Việt sống ở Đài Loan nhiều năm cũng tình nguyện tham gia với mong muốn được trải nghiệm về hành trình  từ thiện, để hiểu thêm về giá trị cũng như tấm lòng của những người con xa quê với quê hương thông qua những việc làm tình nghĩa: “Tham dự để hiểu tâm huyết của chị em, có ít làm ít. Mình học hỏi trải nghiệm được, các chị còn khó khăn nhưng đã cố gắng buôn bán từng chén xôi để đóng góp cho bà con ở quê nhà. Mình suy nghĩ sẽ vận động thêm kể cả người Đài để mà đóng góp”.

Luôn hướng về quê hương, nghĩ về bà con còn khó khăn ở trong nước là mong muốn, tâm niệm hàng ngày, hàng giờ của người Việt ở nước ngoài. Nhiều anh chị em người Việt tâm sự: sống ở nước ngoài dù có khó khăn, vất vả mưu sinh nhưng cũng không thể so sánh với bà con nghèo ở nhiều vùng miền bị lũ lụt, thiên tai tàn phá. Nằm trong chăn ấm, ăn một bát cơm nóng, những người Việt ở nước ngoài càng nhớ hơn, thương hơn cho những miền quê còn nghèo. Nghe được tin bão lũ hay thiên tai ở nơi nào đó, hoặc biết đến hoàn cảnh khó khăn của bà con ở các nơi, những người Việt Nam sống xa quê lại mong muốn ngay lập tức có thể  trợ giúp. Chị Trần Phương, việt kiều tại Đức cho biết:Chúng tôi tham gia ủng hộ đồng bào lũ lụt, trái tim cho em. Về thì Hội PN trung tâm thương mại Đồng Xuân, Bec lin cũng quyên góp rồi gửi tiền về  ủng hộ đồng bào lũ lụt miền trung.

Rất nhiều kiều bào làm từ thiện chỉ với suy nghĩ cần san sẻ bớt khó khăn  với đồng bào mình và đó chính là  tình cảm với quê hương. Ông Dương Bình, việt kiều tại Mỹ luôn suy nghĩ như vậy. Vì thế mà ông thường xuyên trở về Việt Nam với mục đích làm từ thiện, giúp cho người nghèo, khi thì chữa bệnh, khi thì trực tiếp trợ giúp khó khăn, đồng thời còn mang quà và tiền của bà con ở nước ngoài về ủng hộ: “ Vụ gì đó thiên tai họ vẫn tham gia đóng góp để gửi về, không thông qua đại sứ quán. Họ đi thẳng về Việt Nam trợ giúp. Tôi thì giúp hộ nghèo, lên mấy xã có người nghèo, cho mỗi xã chừng 200 suất quà, khoảng 10 xã”.

Làm từ thiện bằng tấm lòng, trái tim, bằng tâm huyết là suy nghĩ của hầu  hết những người Việt nam đang sống ở nước ngoài. Dẫu có cách xa ngàn vạn dặm, nhưng tình cảm của họ với quê hương thì ở rất gần.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu