Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt, tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số. Việt Nam, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và vị trí địa lý thuận lợi, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tại phiên chuyên đề: "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam" trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, các kiều bào đã tập trung thảo luận về vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: baochinhphu. |
Nghe âm thanh tại đây:
Việt Nam xác định quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước sẽ được thúc đẩy dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số được xem là phương thức đột phá mới để rút ngắn quá trình này, với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam: "Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu với quy mô trên 50.000 kỹ sư và doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn đạt 25 tỷ USD mỗi năm. Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và đóng gói."
TS. Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng kiều bào trong việc hiện thực hóa chiến lược này. Ông kêu gọi kiều bào đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chip, hỗ trợ đào tạo nhân lực và kết nối, mời gọi đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh, một chuyên gia kiều bào Nhật Bản đang làm việc tại Tập đoàn Technology, cũng đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Thanh Tuyên. TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh chia sẻ về những dự án nghiên cứu tiên tiến mà ông đang thực hiện: "Chúng tôi đang phát triển các ứng dụng vi mạch và IoT (Internet vạn vật) cho lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là nuôi trồng thủy sản tại Nha Trang và Bạc Liêu. Gần đây nhất, chúng tôi đang sử dụng chip cao tần để phát hiện gạo giả và sữa giả, góp phần phục vụ đời sống của người dân một cách tốt hơn."
Từ những kinh nghiệm về mô hình trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch của Nhật Bản được hình thành năm 1996, TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh đề xuất cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi mạch tại Việt Nam: "Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tập đoàn công nghệ ở trong nước và nước ngoài và các viện, các trường đại học. Ngoải ra, có thể tham quan một số mô hình thiết kế vi mạch của các nước lân cận để tham khảo. Đương nhiên, mình cũng cần có một mô hình đặc biệt cho môi trường Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam."
Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên-Khu Công nghiêp Yên Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế đáng kể trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ mới. Với dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, Việt Nam có thể đào tạo một đội ngũ kỹ sư bán dẫn chất lượng trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý ở khu vực trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn. Hơn nữa, Việt Nam đã có nền tảng công nghiệp điện tử phát triển, đứng thứ 12 thế giới về quy mô. Đây là bước đệm quan trọng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Dương Minh Tiến, kiều bào Hàn Quốc tham luận tại Phiên chuyên đề. Ảnh: Anh Sơn/dangcongsan. |
Tuy nhiên, theo ông Dương Minh Tiến, kiều bào Hàn Quốc, chuyên gia về đóng gói chip của Công ty Samsung Electro - Mechanics, ngoài các tiềm năng, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, như: làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng của lực lượng lao động trong nước, đồng thời, thu hút và giữ chân nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là cộng đồng kiều bào. Ông Dương Minh Tiến cũng nêu một số giải pháp cụ thể cho ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai: "Việt Nam nên tận dụng cơ hội để phân quyền cho cấp cơ sở, giảm thủ tục hành chính và làm cho môi trường đầu tư trở nên dễ dàng hơn, thông thoáng hơn. Việt Nam cần đảm bảo an ninh về năng lượng và đảm bảo năng lực sử dụng tiếng Anh cho sinh viên trong tương lai."
Với nguồn nhân lực dồi dào, chính sách của Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng kiều bào, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm sản xuất và nghiên cứu bán dẫn lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển, đến sản xuất và ứng dụng.
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cùng với kinh nghiệm từ cộng đồng kiều bào sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những bước đi này sẽ không chỉ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn định vị đất nước như một điểm đến hấp dẫn trong kỷ nguyên số, góp phần xây dựng một nền kinh tế số vững mạnh và bền vững trong tương lai gần.