Kiều bào đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Lan Phương - Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kiều bào đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Ngày 12/11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới chính thức khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, Hội nghị năm nay có sự tham dự của gần 700 đại biểu, trong đó có có 500 kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các doanh nhân trí thức tiêu biểu, lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Kiều bào đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị



Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp thiết thực của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời gian qua. Thông báo với bà con về Chương trình hành động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Bộ ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các tỉnh trọng điểm trên cả nước, chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, khuyến nghị và các địa phương có tiếp thu, có phản hồi, khuyến khích tạo điều kiện cho trí thức trẻ và những người có kinh nghiệm ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài, tùy vào khả năng và điều kiện của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.”


Trong ngày làm việc 12/11, các đại biểu đã cùng trao đổi ý kiến tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các bài tham luận của mình, đại diện kiều bào tại Pháp, Autralia, Hoa Kỳ… đã nêu lên những giải pháp, đóng góp ý kiến, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một đô thị thông minh, trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực. Ông David Ngô, Việt kiều ở Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Global Wifi tại Silicon Valley chia sẻ: “Thành phố thông minh thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố thông minh. Thứ nhất, các vị lãnh đạo trong thành phố phải thay đổi, đổi mới và rất thông minh. Thứ hai, người dân cũng phải thông minh, phải ham học hỏi để dễ dàng tiếp cận các công nghệ thông minh. Thứ ba, là hạ tầng về xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng về công nghệ thông tin phải tốt và sẵn sàng. Thứ tư, chúng ta phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp, mà trong đó các phần mềm của các bạn khởi nghiệp cũng như các thiết bị mà các bạn tạo ra phải kết nối được với nền tảng công nghệ thông tin đang có sẵn của hệ cơ sở dữ liệu mà thành phố đang xây dựng. Việc kết nối đó phải dựa trên nền hệ thống mở, tạo cơ hội cho các bạn tiếp cận, làm ăn, và giúp cho người dân giao tiếp, liên hệ được với Chính phủ dễ dàng thông qua cơ chế điện tử.”


Nhiều đại biểu kiều bào bày tỏ quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững. Tại đó sẽ đặc biệt coi trọng việc nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển thành phố thông minh cũng cần đi đôi với việc tạo lập các cơ chế để huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vận dụng triệt để kinh tế tri thức. Ông Lê Duy Cân, kiều bào tại CHLB Đức, giảng viên Đại học Việt Đức đề xuất: “Tôi làm ở trường Đại học nhưng ý định của tôi rất rõ ràng, đó là không chỉ hướng dẫn sinh viên học lý thuyết mà còn cần có sự kết hợp với doanh nghiệp tốt. Tôi biết doanh nghiệp cần phải làm kinh doanh, phải có lợi nhuận, nhưng tôi mong muốn doanh về lêu về dài doanh nghiệp cần chú trọng đến sự đóng góp của mình đối với sự phát triển của xã hội, qua việc sẵn sàng nhận sinh viên về thực tập hay sẵn sàng hỗ trợ cho trường Đại học có những dự án nghiên cứu hoặc phát triển. Những công việc đó sẽ tạo liên kết giữa trường Đại học và doanh nghiệp tốt hơn.”


Các đại biểu kiều bào cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công của các thành phố trên thế giới, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể để có thể áp dụng hiệu quả trong việc quản lý rủi ro ngập lụt, cải thiện môi trường thông qua phát triển hành lang xanh, giải quyết ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng y tế, phát triển cộng đồng... Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến, đóng góp của kiều bào để đề ra các chương trình nghiên cứu, kế hoạch triển khai phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố.


Cuối giờ chiều nay, Thủ tướng giao lưu với một số doanh nhân, trí thức kiều bào tiêu biểu, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con và đưa ra những định hướng để tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa để kiều bào hướng về quê hương bằng những việc làm cụ thể.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu