Sáng 2/12, tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Hà Nội, khai mạc khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài chào mừng các thầy giáo, cô giáo và các tình nguyện viên về tham dự tập huấn, đem tâm huyết, nhiệt huyết của mình để quảng bá tiếng Việt. Nhấn mạnh ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là cầu nối gắn kết các thế hệ người Việt, phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông cho rằng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu |
Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt còn nhiều thách thức đối với từng khu vực và địa bàn, nhất là khó khăn với các thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Vì vậy, cần có giải pháp làm sao để thúc đẩy việc học tiếng Việt thường xuyên, trong đó chú trọng tổ chức các khóa tập huấn về giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên người Việt ở nước ngoài. Nói về ý nghĩa của chương trình, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông cho biết: “Tham dự khóa học lần này, không chỉ đơn thuần là khóa học mà bà con sẽ có điều kiện tiếp thu thêm văn hóa của Việt Nam, cũng như có điều kiện mở rộng mạng lưới người Việt giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, mà bà con đã có trong việc giảng dạy tiếng Việt, những kinh nghiệm thành công, kể cả những kinh nghiệm chưa thành công. Những kinh nghiệm chưa thành công về dạy tiếng Việt ở một số địa bàn cũng sẽ là những kinh nghiệm ở địa bàn khác”.
Cô Đặng Thu Hiền, giáo viên tiếng Việt tại Malaysia chia sẻ cảm xúc tại lễ khai mạc |
Được đại diện cho các giáo viên tiếng Việt từ Malaysia về tham dự tập huấn, cô giáo Đặng Thu Hiền cũng đã có những cảm xúc cũng như những kỳ vọng vào đợt tập huấn lần này: “Khi được tham gia khóa học này, tôi mong muốn sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức, học hỏi được thêm về các phương pháp giảng dạy, phương pháp truyền đạt thông tin văn hóa của Việt Nam, ngôn ngữ của Việt Nam tới các em nhỏ là việt kiều, thậm chí là những người nước ngoài mong muốn được tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam. Hy vọng là sau khóa học này, sẽ có thêm mối quan hệ với mạng lưới của các thầy cô giáo, truyền đạt những nét đẹp về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam đến các nước nhiều hơn”.
Sau lễ Khai mạc, các học viên Khóa tập huấn tham gia Tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” do Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh- tác giả của giáo trình “Chào tiếng Việt” trình bày. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cùng các học viên đã trao đổi, thông qua những bài tập thực hành đơn giản, những trò chơi, những bài hát tiếng Việt. Đó là cách để giúp cho các giáo viên người Việt có thể tiếp thu những kiến thức và truyền tải tới cho các em nhỏ người Việt ở nước ngoài những bài học tiếng Việt vừa hiệu quả, vừa thiết thực và đầy hứng thú.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Cũng trong khóa tập huấn kéo dài 15 ngày, các học viên sẽ tham dự các hoạt động chính gồm: Tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đứng lớp; dự giờ tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội (viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Phủ Chủ tịch; thăm Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hoàng thành Thăng Long, các bảo tàng...) và một số tỉnh lân cận.
Lớp tập huấn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Đại học khoa học xã hội và nhân văn(Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức. Khóa tập huấn năm nay diễn ra từ ngày 01 đến ngày 15/12/2024 với sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt đến từ 9 quốc gia trên thế giới.
Nghị quyết 36 của Bộ chính trị ban hành đã khẳng định, tầm quan trọng của việc thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài giai đoạn 2022-2030 với các cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. Các hoạt động này đã giúp phong trào dạy tiếng Việt ngày càng phát triển với nhiều mô hình hay, sáng tạo từ việc quảng bá đến việc sử dụng các phần mềm dạy học…