(VOV5) - Ngày 26/5, tại thành phố Augsburg, CHLB Đức, Hội Việt-Đứcvùng Schwaben tổ chức khai giảng lớp tiếng Việt nhằm giúp các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Đức cũng như con em các gia đình đa văn hóa Việt-Đức học tiếng Việt và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Nguồn: Hương Việt |
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Lê Thanh Hương, Chủ tịch Hội Việt-Đức Schwaben, nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc giảng dạy và gìn giữ tiếng Việt cho con em người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức: "Lớp học tiếng Việt là nơi giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ, giúp các cháu không những giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn hiểu thêm truyền thống, văn hóa cũng như lịch sử dân tộc, tăng cường tình thân trong gia đình, phát triển bản thân cũng như giữ được mối liên kết cộng đồng".
Bà Lê Thanh Hương chia sẻ Hội Việt-Đức Schwaben luôn hướng về quê hương, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Ngoài lớp học tiếng Việt, các thành viên của Hội không quản ngại khó khăn, tổ chức các hoạt động văn hóa, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: lễ hội Trung thu, chơi trò chơi dân gian, các buổi sinh hoạt cộng đồng để tăng cường giao lưu bằng tiếng Việt, giúp các thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây được tiếp xúc gần gũi hơn với ngôn ngữ mẹ đẻ.
Đại diện Hội đồng thành phố Augsburg, ông Gregor Lang, bày tỏ vui mừng và tự hào trước những hoạt động sôi nổi, tích cực của Hội Việt-Đức Schwaben góp phần xây dựng, phát triển và làm phong phú thêm cho "bức tranh đa văn hoá, đa sắc tộc" của thành phố Augsburg nói riêng và của nước Đức nói chung.
Kết thúc buổi lễ khai giảng là các tiết mục văn nghệ với các bài hát về quê hương, thầy cô giáo, trường lớp do chính các phụ huynh và các em học sinh thể hiện. Thông qua đó, các bậc phụ huynh cũng bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi và hy vọng lớp học tiếng Việt của Hội Việt-Đức Schwaben sẽ là nơi cho các cháu yên tâm học tập, rèn luyện, giao lưu, kết nối sâu sắc hơn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nơi xứ người; là thế hệ tiếp nối giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, bản sắc dân tộc, luôn hướng về nguồn cội.