“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam”

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Với nguồn năng lượng tràn đầy của sức trẻ, những trí thức kiều bào, bằng tấm lòng và khối óc đang tạo ra cơ hội vừa cho chính bản thân, vừa đóng góp cho sự giàu mạnh cuả quê hương Việt Nam.

Tham gia vào hành trình chuyến tàu cách mạng Công nghệ 4.0 hiện nay ở Việt Nam, không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước ngoài và đặc biệt giới trí thức trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, dù sống ở nơi đâu, những kiều bào có tâm huyết đang góp phần lớn công sức, trí tuệ cho quá trình phát triển đất nước, tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Phạm Kim Cương, một trí thức kiều bào đang làm việc tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Trải nghiệm làm việc nhiều năm tại các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Airbnb... chàng trai sinh năm 1982 này đang điều hành một công ty về trí tuệ nhân tạo, có khách hàng tại nhiều quốc gia, với mục đích giúp các hệ thống khách sạn hoạt động hiệu quả cũng như giúp việc mua sắm tiêu dùng thông minh hơn.

“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam” - ảnh 1Phạm Kim Cương ( ngoài cùng phải) cùng các trí thức kiều bào 

“Những lần trở về mới đây, tôi rất vui vì được kết nối với rất nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới thông qua Mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Giờ tôi có thêm một nhiệm vụ mới. Đó là duy trì những kết nối“chất xám” để tạo ra một giá trị kinh tế trí thức, một cộng đồng tri thức trẻ. Tôi muốn Việt Nam mình có hàng trăm cộng đồng nhỏ như thế. Nếu bạn muốn trồng một rừng cây thì hãy bắt đầu gieo những hạt giống nhỏ ngay từ bây giờ.”. Kim Phạm chia sẻ,

“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam” - ảnh 2Một buổi học tiếng Anh với thầy giáo  Micheal Nguyễn 

Với Micheal Nguyễn lại chọn cách “gieo hạt giống" khi quyết định trở về, dù đã có cuộc sống ổn định bên Mỹ. Trong lần về thăm quê, anh nhận thấy doanh nhân Việt Nam rất tài năng nhưng bị hạn chế là kém ngoại ngữ. Vì thế, anh cùng người bạn thành lập trung tâm tiếng Anh SENIF. Ngoài viết giáo trình và dạy giao tiếp tiếng Anh, Micheal Nguyễn còn là chuyên gia tư vấn tâm lý về hôn nhân gia đình: “Mục đích của tôi là giúp các chủ doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam trau dồi khả năng giao tiếng Anh. Bởi, họ là những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội ít nhất về mặt kinh tế. Tôi muốn dạy họ nói tiếng Anh để có thêm cơ hội tiếp xúc người nước ngoài, mở rộng công việc làm ăn. Cũng may tôi hiểu được nhu cầu học viên vì tôi nói tốt tiếng Việt, hiểu về văn hóa người Việt mình”. Micheal Nguyễn nói,

“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam” - ảnh 3Daniel Hoài Tiến rất thích tìm hiểu về truyền thống phong tục văn hóa Việt Nam 

Trở về vì bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của văn hóa Việt, sau gần 4 năm Daniel Nguyễn Hoài Tiến  việt Kiều Mỹ (32 tuổi) giờ đây đã có vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học và cuộc sống. Với kinh nghiệm của mình, Hoài Tiến đang giúp nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số cách làm nông nghiệp, cải thiện đời sống và phát huy những giá trị bản sắc: “Mong muốn của tôi là sẽ phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số phía Bắc. Các dân tộc còn rất nhiều tiềm năng về giá trị văn hóa, đặc sản vùng miền chưa được khai thác. Tuy vậy, điều quan trọng vẫn là làm thế nào phát triển mà vẫn giữ lại được chiều sâu văn hóa. Bởi đó là tài sản quốc gia dành cho thế hệ sau.”

Bên cạnh nhiệt huyết và hoài bão các bạn trẻ tài năng thường là những nguời sẵn sàng đương đầu với khó khăn, không ngần ngại thất bại để rồi có được sự thành công. Họ vươn mình với những khao khát tìm kiếm cơ hội mới trong một tuổi trẻ đầy sôi động và Danny Võ Thành Đăng, Việt kiều Sinhgapore là một người như thế:

“Đâu đó trong công việc mình làm thiên về sáng tạo rất nhiều, rồi bén duyên với đào tạo huấn luyện phát triển không chỉ bản thân và cho nhiều người khác nữa. Công giảng dạy giúp tôi thu nhận được nhiều. Nguồn năng lượng mình có được từ những người xung quanh giúp mình sống tích cực hơn. Đổi lại mình cũng phải lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đó.” Danny Võ cho biết,

“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam” - ảnh 4Doanh nhân Danny Võ Thành Đăng- Ảnh fbnv 

“Đi rồi trở về” Danny Võ Thành Đăng đã trở thành mẫu hình khởi nghiệp thành công tại quê nhà. Anh là diễn giả nổi tiếng truyền cảm hứng và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ xây dựng, quản lý thương hiệu, phát triển con người cho nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và cộng tác với rất nhiều tổ chức danh tiếng của Anh, Singapore và Mỹ…

Trước những trăn trở của nhiều du học sinh “Đi có trở về? Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia trí tuệ nhân tạo của tập đoàn Hitachi, Nhật Bản cho rằng: “Đi từ cách nhìn 4.0 khi mọi thứ đều kết nối bằng số hóa trên nền tảng internet thì việc có mặt ở VN hay không, không quan trọng. Quan trọng là ở việc hướng về cội nguồn như thế nào. Ví như anh Lê Viết Quốc, người đứng đầu mảng AI của Google sống ở Mỹ nhưng chưa bao giờ quên Việt Nam. Anh đang đóng góp thúc đẩy thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam có được nguồn trí thức tốt nhất”.

“Kết nối và lan tỏa sức mạnh trí tuệ Việt Nam” - ảnh 5Nguyễn Xuân Phong ( phải) kỹ sư IT tại tập đoàn Hitachi, Nhật Bản 

Với nguồn năng lượng tràn đầy của sức trẻ, những trí thức kiều bào, bằng tấm lòng và khối óc đang tạo ra cơ hội vừa cho chính bản thân, vừa đóng góp cho sự giàu mạnh của quê hương Việt Nam. Điều đó đang làm khoảng sống của tuổi trẻ thêm sâu sắc và ý nghĩa hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu