Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hẳn quý vị cũng sẽ đồng ý với chúng tôi, rằng khi xa nhà, nhất là xa quê hương bản quán lâu ngày, điều khiến người ta dễ nhớ, dễ “tức cảnh sinh tình” nhất, là hương vị những món ăn thân thuộc đã đi vào tiềm thức. Ví dụ như người Việt mình, cũng sẽ có người, đôi khi trong bữa cơm xa xứ, chợt giật mình thấy thèm….vài cọng rau muống luộc!
Không phải tự nhiên mà dân tộc nào cũng phải có cho mình những món ẩm thực quốc hồn quốc túy. Những món ăn, đã thành thói quen, thành kỷ niệm trong cái hành trang nhớ nhung nặng trĩu người tha hương mang theo.
Phục vụ cho cái nhu cầu ẩm thực thiết thân này của cộng đồng Việt ở Limassol, có một cửa hàng duy nhất của người Việt chuyên bán đồ Việt Nam, đó là quán Thúy Nga của chị Đỗ Thị Nga, nằm ngay mặt phố chính nhìn ra biển của thành phố, gần kề chợ tạm của người Việt.
"Siêu thị ẩm thực Việt Nam" của chị Nga nằm gần chợ tạm của người Việt. |
Chị Đỗ Thị Nga sang đây đã hơn chục năm, bươn chải qua nhiều công việc khác nhau, từ giúp việc, nấu ăn, làm ở nhà hàng rồi mở quán ăn, cuối cùng chị mở cửa hàng này. Chị nói làm công việc này vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình, con cái, vừa có niềm vui khi được phục vụ, gặp gỡ bà con cộng đồng hàng ngày.
Chị Đỗ Thị Nga lấy hàng cho khách. |
Chị Nga bảo: “Trước đây chưa mở cửa hàng những đồ thực phẩm Việt Nam bên này rất ít. Khi mình mở ra tự mình có thể mang hàng sang bên này, rất nhiều mặt hàng được mang sang vừa phục vụ bà con vừa phục vụ cuộc sống của gia đình. Không phải chỉ người Việt mà cả người Trung Quốc, Philipinnes và cả người Síp cũng ăn đồ Việt Nam, nên họ đến rất đông. Và kể cả chỗ này cũng là trung tâm tụ tập các chị em, như ngày nghỉ, ngày chủ nhật các chị em đến đây và gặp gỡ nhau ở quán mình.”
Món giò không thể thiếu trong các mâm cỗ hay mâm cơm cúng ngày Tết ở nơi xa xứ. |
Ở thành phố biển Limasol, cộng đồng quen nhắc nhau món giò chả của anh Linh, từ giò nạc, giò thủ…. Anh sang đây làm giúp việc cả chục năm, mong dành chút vốn liếng lo cho vợ con ở nhà. Chịu thương chịu khó nên chủ giữ lại bao nhiêu năm không đổi người. Khi anh làm những món quen, mọi người biết thỉnh thoảng lại đặt:
“Chẳng qua khi bà chủ mua thức ăn, họ cứ cho đầu lợn, mình thấy phí quá nên đem về làm. Cũng làm như ở nhà, vì ở Việt Nam tôi cũng làm nhiều, mình làm cho mình ăn mà.
Cũng phải luộc lên cho thịt thơm, lọc thịt ra, lọc mỡ vứt đi, lọc tật vứt đi, như các cụ thời xưa, vẫn thủ công, vẫn bó bằng tay như thế. Mấy anh chị em làm vườn thích ăn lại bảo mình làm cho, ai thích thì bảo làm. Thế thôi. Cái tâm lý mình làm mình ăn nên cứ làm, mọi người thích thì mình nhượng lại.” - Anh Linh kể.
Tham gia tiết mục múa chầu cô đôi, chị Thu Hương Kakao vẫn "không quên nhiệm vụ" với món thạch rau câu. |
Những món ăn của chị Hương Kakao cũng thường được cộng đồng Việt ở thành phố Nicosia đặt hàng vào cuối tuần. Từng lăn lộn qua nhiều công việc để kiếm sống, bây giờ có gia đình yên ấm ở nơi này, việc nấu ăn thêm với chị Hương chỉ là niềm vui, vì làm việc khác thu nhập được nhiều hơn, nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian làm từng món ăn khi nghĩ đến sự mong đợi của mọi người. Ở xa quê cả nghìn dặm đường, chị Hương kakao vẫn nấu được ra hương vị món rất khó của món xôi khúc:
“Rất nhiều người bảo chị ơi chị làm thế nào mà lại ngon. Nói chung tất cả những việc mình làm, mà mình để tâm, dồn hết tâm huyết của mình vào một món ăn hay một việc gì đấy, thì mình sẽ hoàn thành. Bên này lá khúc không có, tôi dùng lá hành tươi khi mình phi già, xay vào thì nó vừa có vị thơm, lại có màu rất đẹp. Vừa cho hành lá, vừa cho lá cải bó xôi xay ra lấy nước cốt. Thịt, đỗ xanh bên này cũng có như ở Việt Nam. Cả chõ xôi mình cũng cầu kỳ mang ở Việt Nam sang. Cái thu nhập không đáng là gì nhưng mình vui vì khi làm cái gì mọi người hào hứng là mình thích”. - Chị Hương kakao tâm sự.
Một góc "siêu thị" nhỏ của chị Đỗ Thị Nga. |
Khác với nhiều nước cộng đồng người Việt hình thành lâu đời, những nơi mà nhà hàng Việt đã trở nên quen thuộc, thì tại đảo Síp, vẫn chưa có nhà hàng thực sự của người Việt, trừ một hai quán ăn nhỏ. Nhưng món ăn Việt theo chân những người lao động, những cô dâu Việt xa xứ sang đây, đã được nhiều người Síp biết đến, như chị Đỗ Thị Nga chia sẻ: “Người dân cũng có nhiều người thích ăn đồ Việt Nam... vv vì họ có giúp việc người Việt nấu cho ăn, từ đấy họ cũng thích những món ăn của Việt Nam mình. Có những người sang Việt Nam du lịch, và khi về bên này họ tìm ra cửa hàng, họ bảo toi thích ăn bánh đa, bánh đa nem, tôi muốn ăn phở hay bún vv…
Mình cũng hỏi vì sao bạn lại biết, có người bảo nhà tôi có giúp việc người Việt Nam và cô ấy nấu cho tôi, có người bảo họ sang du lịch ở Việt Nam, đã thưởng thức món ăn ở Việt Nam mình rồi, thì họ bảo bạn có thể giúp tôi, hướng dẫn tôi cách nấu được không , nói chung số người Síp thích món ăn Việt Nam bây giờ rất nhiều.”
Vâng, khi nào quý vị có dịp ghé thăm Limassol hay Nicosia dịp cuối tuần, mà nhớ đến hương vị Việt Nam, hãy hỏi người Việt ở đây về những món ăn Việt nhé! Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên đấy!