Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt hợp tác, kết nối để tạo sự phát triển

Chia sẻ
(VOV5) - Tôn chỉ và mục đích của Hiệp hội là thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan.

Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Với những thành công nhất định trong việc kết nối ở nhiều lĩnh vực về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội, đã được nhận bằng khen của Văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.

Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt hợp tác, kết nối để tạo sự phát triển - ảnh 1Bà Ngô Phẩm Trân 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

Phóng viên: Thưa bà, bà giới thiệu đôi nét về Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt?

Bà Ngô Phẩm Trân: Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt được thành lập vào ngày 6/10/2016 tại Đài Loan. Ngày 7/11/2019 được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp phép thành lập chi hội tại Việt Nam. Tôn chỉ và mục đích của Hiệp hội là thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan.

Phóng viên: Việc xúc tiến hợp tác phát triển về đầu tư, thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đã được Hiệp hội thực hiện như thế nào?

Bà Ngô Phẩm Trân: Mỗi năm Hiệp hội có khoảng gần 20 hoạt động về xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Đài Loan.

Về thương mại, Hiệp hội xây dựng kênh B2B kết nối thương mại online, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến với thị trường Đài Loan và ngược lại.

Về đầu tư, Hiệp hội mỗi năm sẽ hỗ trợ cho một tỉnh, thành của Việt Nam tổ chức những buổi hội thảo kêu gọi đầu tư vào tỉnh đó tại Đài Loan.

Về văn hóa, hội viên của Hiệp hội có một tập đoàn làm về du lịch. Mỗi năm sẽ có những chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với du khách Đài Loan.

Về giáo dục, Hiệp hội hỗ trợ Văn phòng chính sách hướng Nam của Đài Loan có một hạng mục về đào tạo nguồn nhân tài ngắn hạn và dài hạn với tất cả các ngành nghề. Mỗi năm, Hiệp hội hợp tác với các trường học về lĩnh vực y khoa, các bệnh viện, đưa rất nhiều y bác sĩ sang Đài Loan tham gia những khóa học đào tạo hoàn toàn miễn phí, ngắn hạn dưới sự trợ cấp của Bộ Y tế Đài Loan. Và những chương trình dài hạn như cấp bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với các ngành nghề được hỗ trợ một phần học bổng, hoặc 50% học bổng, 100% học bổng từ trường và từ Bộ Giáo dục Đài Loan.

Sắp tới đây, một hội viên doanh nghiệp của Hiệp hội chuẩn bị hỗ trợ đào tạo nguồn nhân tài cho Việt Nam tại chỗ và kết nối việc làm cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc cho các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam.

Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt hợp tác, kết nối để tạo sự phát triển - ảnh 2Bà Ngô Phẩm Trân nhận chức Chủ tịch Hiệp Hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt vào tháng 10 năm 2019. 

Phóng viên: Từ khi làm Chủ tịch Hiệp hội, bà đã triển khai những hoạt động gì trong việc thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc)?

Bà Ngô Phẩm Trân: Tôi là người sáng lập Hiệp hội phát triển Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục Đài - Việt. Khi được Ban chấp hành tín nhiệm và giao trọng trách giữ chức vụ Chủ tịch, tôi cũng không có nhiều bỡ ngỡ. Tôi tiếp nối những kế hoạch của nguyên chủ tịch đã xúc tiến và xây dựng thêm nhiều chương trình mới. Ví dụ, chúng tôi đã xây dựng kênh kết nối thương mại điện tử B2B, kết hợp với nhiều chuỗi thị trường tiêu thụ tại Đài Loan như các công hội, các tổ chức hiệp hội thương mại, các kênh siêu thị... để hàng Việt Nam của chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn khi vào thị trường của Đài Loan.

Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt hợp tác, kết nối để tạo sự phát triển - ảnh 3

Phóng viên: Được biết, bà cũng kết nối với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và triển khai hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Vậy sự hợp tác này có những kết quả gì, đã triển khai được những dự án nào, thưa bà? 

Bà Ngô Phẩm Trân: Với vai trò là đại diện Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tôi cũng hỗ trợ cho những hoạt động kết nối doanh nghiệp khi Hiệp hội tổ chức. Thời gian qua, mỗi năm Hiệp hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài có tổ chức những hoạt động hội chợ thương mại Việt Nam, quảng bá sản phẩm và hàng Việt Nam đến với nước bạn. Ví dụ năm vừa qua tổ chức ở Hàn Quốc và năm nay tổ chức tại Thái Lan rất thành công.

Tổng hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng mong muốn một ngày nào đó tôi có thể hỗ trợ Hiệp hội để tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Đài Loan. Về việc này, tôi ghi nhận và đợi thời gian thích hợp sẽ triển khai.

Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt hợp tác, kết nối để tạo sự phát triển - ảnh 4Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc khen thưởng với những thành tích đóng góp của bà Ngô Phẩm Trân. 

Phóng viên: Ngoài công việc xúc tiến hợp tác về kinh tế, Hiệp hội cũng đã có những hoạt động ý nghĩa về giáo dục như: đào tạo nhân tài, trao học bổng. Bà có thể nói rõ hơn về những dự án này?

Bà Ngô Phẩm Trân: Tôi là thạc sĩ giảng viên giáo dục của Trường đại học Quốc lập sư phạm Đài Loan, nên tôi học được nhiều về những chương trình giáo dục tiên tiến của họ. Đó cũng là lý do tôi mong muốn đóng góp một phần nào trong sự phát triển cải cách giáo dục của Việt Nam chúng ta.

Gần 4 năm nay, Đài Loan có chính sách Tân hướng nam, nên họ đầu tư nhiều ngân sách vào đào tạo nguồn nhân tài cho các nước Đông Nam Á và quan trọng nhất là Việt Nam. Cho nên, tôi muốn mang những thông điệp này về cho các tỉnh thành Việt Nam, nhất là những vùng cao nguyên, vùng sâu, vùng xa, vì học sinh nơi này muốn đi du học nước ngoài giống như giấc mơ. Tôi muốn hỗ trợ các học sinh biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Đó là lý do chúng tôi hỗ trợ chính quyền hai bên đẩy mạnh hơn nữa về đào tạo nguồn nhân tài cho Việt Nam.

Lý do thứ hai, hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam với nhiều vị trí cán bộ từ trung cấp trở lên đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi năm sinh viên ra trường, con số thất nghiệp còn khá cao.

Việt Nam có rất nhiều học sinh học giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em không phát huy được tài năng của mình. Theo tôi, những bạn này đều là nhân tài của đất nước trong tương lai. Cho nên tôi hay vận động các hội viên doanh nghiệp, mỗi người đóng góp một ít để gây quỹ học bổng cho các học sinh nghèo, hiếu học này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu