*Các thế hệ con cháu cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đang sinh sống tại đảo Tahiti thuộc Polynésie, Công hòa Pháp. Các thế hệ con cháu trong gia đình Cụ hiện nay đều mang chữ “Van Cam” trong họ tên. Trong suốt 20 năm, sau lần trở về thăm quê hương lần thứ 1 (năm 2004), con cháu gia đình cjụ Kỳ Đồng luôn nỗ lực tìm hiểu về quê hương, cội nguồn Việt Nam.
Chuyến hành hương lần này, các thành viên gia đình luôn trân quý tấm lòng của Đảng, Nhà nước, bà con quê hương Thái Bình, Bắc Giang dành cho họ. Cùng với đó, các thành viên đều bày tỏ mong muốn được gắn bó và tình cảm yêu thương với quê hương Việt Nam.
Thân thế và sự nghiệp của cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt trong giai đoạn Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế.
Ông tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh ngày 8/10/1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, nay là xã Văn Cẩm - Hưng Hà - Thái Bình, trong gia đình có cha là thầy đồ dạy học và đan rổ rá, đóng cối xay. Năm 6 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm đã được học chữ Nho. Năm 8 tuổi, với tư chất thông minh, khả năng sáng tác thơ phú và làm câu đối ứng khẩu, Nguyễn Văn Cẩm nổi tiếng khắp vùng, được cha dẫn lên tỉnh dự kỳ khảo khóa để năm sau thi hương ở trường Nam Định và đã đạt loại ưu.
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm
- Ảnh tư liệu |
Theo lời đồn trong dân gian, năm 9 tuổi, Kỳ Đồng đã soạn bài hịch kêu gọi nhân dân chống Pháp, năm 11 tuổi sáng tác bài thơ Xích Bích phân tích thế mạnh của dân tộc. Ảnh hưởng của Kỳ Đồng đến dân chúng ngày một lớn, một rộng để rồi đỉnh điểm là sự kiện rước cờ vào thành Nam Định ngày 27/3/1887. Hôm ấy, một đám rước quy tụ khoảng 100 người với khăn áo chỉnh tề, giương lá cờ “Thiên binh thần tướng” đem theo kiếm gỗ, giáo gỗ rước Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên, nơi Kỳ Đồng nghỉ qua đêm đi qua các phố rồi tiến về thành Nam Định. Sau cuộc diễu hành ấy, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị người Pháp bắt và lưu đày sang Phi châu xa xôi để tách rời cậu bé với phong trào yêu nước Việt Nam, đồng thời những mong đào tạo Kỳ Đồng phục vụ cho nước Pháp.
Ở Algeria, sau gần chục năm đào tạo, năm 1896, Pháp đưa ông về nước làm công chức cho chính quyền bảo hộ, nhưng ông vẫn nuôi chí chống Pháp. Ông xin đi khai hoang ở Yên Thế (Bắc Giang), lập ra một khu đồn điền lớn thuộc xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay, lấy tên là “Thất diệu đồn điền”. Tại đây, Nguyễn Văn Cẩm đã sáng tác nhiều thơ, văn để huấn truyền, cổ vũ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí triệt để chống Pháp giành độc lập dân tộc đến các nghĩa sĩ và những người đồng chí.
Tái hiện cuộc đời Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm trên sân khấu chèo.
Ảnh: Tư liệu/ báo ĐCSVN online. |
Trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám - thủ lĩnh phong trào Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân về người, tiền của và cả tinh thần. Nhưng vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên thực dân đã theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng. Chỉ sau hơn một năm Kỳ Đồng lại bị thực dân Pháp bắt và đi đày biệt xứ ở đảo Tahiti thuộc Polynésie (thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương).
Ông lấy vợ người bản địa và sinh sống tại quần đảo này trong hơn 30 năm. Ông qua đời vào ngày 17/7/1929. Khi còn sống nhà chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm vẫn mang trong lòng niềm ái quốc, đau đáu muốn trở về quê hương Việt Nam.
Tại Bắc Giang, sau khi Kỳ Đồng mất, đệ tử cùng nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền thờ ông ở động Thiên Thai, nơi từng làm trại trung tâm trong thời gian ông lập cứ tại đây. (Trích thông tin từ bài báo" Kỳ Đồng - “đứa trẻ lạ” đăng tải trên https://baothaibinh.com.vn/ ngày 12/3/2020).