Đây là thông tin từ cô Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tại Đại học Đài Loan, người đã tham gia viết nhiều giáo trình tiếng Việt cho học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng như đào tạo giảng dạy cho các giáo viên tiếng Việt tại vùng lãnh thổ này.
Giảng viên bộ môn Tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) Nguyễn Thị Liên Hương, là tác giả và đồng tác giả của hơn 15 đầu sách tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Đài Loan và Mỹ, cũng là người biên tập và xuất bản 2 bộ bài Poker có thể vừa chơi vừa học tiếng Việt thú vị - Ảnh: Hội sinh viên Việt Nam tại Đài Loan |
Theo giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương, nhu cầu học tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) tăng cao, có lẽ do các nguyên nhân: Một là xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh của Đài Loan chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, với chính sách hướng Nam của chính quyền Đài Loan, hai là do nhu cầu của thế hệ thứ hai người gốc Việt tại nơi đây.
"Theo thống kê của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam, từ năm 2020 Đài Loan đã đứng thứ 5 về đầu tư FDI trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các ngôn ngữ khác ở Châu á, tiếng Việt hiện nay có nhu cầu rất lớn và tiếp tục gia tăng trong những năm tới, vì thị trường Việt nam đang phát triển mạnh và trở nên hấp dẫn hơn với nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn về điện tử, công nghệ khoa học máy tính Đài Loan muốn đầu tư sang thị trường Việt Nam, và mong muốn tìm giáo viên tiếng Việt để dạy cho nhân viên của mình.
Các học sinh học tiếng Việt tham gia hoạt động chuẩn bị Giáng sinh 2023 - Ảnh nguồn: Cô giáo môn tiếng Việt cho học sinh phổ thông tại Đài Loan Phạm Thị Linh. |
Hai là nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của thế hệ F2 – thế hệ chuối ở Đài Loan. Làn sóng nhập cư Đài Loan diện kết hôn, lập gia đình của phụ nữ Việt Nam đến nay gần 100 ngàn người, chiếm khoảng 63% cô dâu ngoại tịch. Chính vì thế Bộ Giáo dục Đài Loan từ tháng 9/2019 đã đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ tự chọn vào giảng dạy chính thức trong các trường từ lớp 3 đến lớp 12 tại Đài Loan. Vì tỷ lệ sinh ở Đài Loan là thấp nhất thế giới, nên nếu theo con số thống kê không đầy đủ, cứ khoảng 10 học sinh ở Đài Loan thì sẽ có 1 em là cha hoặc mẹ là người nhập cư. Trong số này có 140 nghìn học sinh có phụ huynh là người Đông Nam Á và khoảng 68% các em là con lai Việt Đài."
Nhu cầu học tiếng Việt của người Đài Loan cũng như thế hệ F2 tăng rất cao nên hiện nay tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếng Việt đang được dạy ở khắp nơi. Ngoài tiếng Việt được đưa vào cấp 1 như một ngôn ngữ mẹ đẻ, ở cacs trường cấp 2, cấp 3 như một ngoại ngữ hai. Ở cấp 2, cấp 3 số lượng học sinh, sinh viên Đài Loan học ít hơn, tuy nhiên bậc đại học ngôn ngữ tiếng Việt vẫn được duy trì.
Cô Nguyễn Thị Liên Hương nói: "Xuất phát từ nhu cầu học tiếng Việt trong các tầng lớp xã hội khác nhau, nên hiện nay có rất nhiều hình thức dạy và học tiếng Việt trong hệ thống giáo dục chính quy của Đài Loan. Dạy và học tiếng Việt cấp tốc cho các tầng lớp doanh nhân tại các tập đoàn kinh tế, hay các công ty, ngân hàng, các trung tâm môi giới có nhu cầu trực tiếp dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm ngoài giờ và các hệ thống đoàn thể, dạy tiếng Việt qua truyền hình. Tiếng Việt đã được lên truyền hình Đài Loan để dạy."
Theo giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương, dù chưa có trường Đại học nào ở Đài Loan nào có khoa tiếng Việt, nhưng có một con số rất đáng chú ý là hiện nay trong tổng số 166 trường Đại học công lập ở đay, thì có hơn một nửa trong số này (hơn 80 trường) đã đưa tiếng Việt vào như một ngôn ngữ bắt buộc hoặc tự chọn cho sinh viên Đài Loan.
Các sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan với cuốn giáo trình học tiếng Việt của giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương. |
Những con số trên đây đã vẽ lên một bức tranh khá sinh động và thuận lợi đối với nhu cầu dạy và học tiếng Việt ở Đài Loan. Tuy nhiên, trong bức tranh đó, vẫn có những khó khăn không nhỏ.
"Theo tôi quan sát đội ngũ giáo viên và giáo trình chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu này. Khó khăn về giáo trình, hiện nay ở Đài Loan chưa có một Bộ giáo trình hoàn chỉnh nào, và giáo viên dạy tiếng Việt không có bộ giáo trình thể hiện 1 cách thống nhất. Giống như các quốc gia khác, hầu hết các giáo viên phải tự tìm lấy tài liệu hoặc tự biên soạn giáo trình riêng cho mình.
Giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương với cuốn sách 300 câu thành ngữ Hán Việt thông dụng do chị cùng hợp tác với TS Lê Bảo Châu thực hiện. |
Không những thế, sự khác biệt trong nhu cầu và nhận thức của các đối tượng khác nhau cũng làm nảy sinh những khó khăn nhất định.
Và giáo trình mà giáo viên dạy cho các đối tượng này thì không thể áp dụng để dạy cho những đối tượng khác, nếu như giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều trường, nhiều đối tượng khác nhau.
Khó khăn thứ hai ở Đài Loan, đó là việc phát âm chuẩn thống nhất giữa các vùng miền.
Học sinh suốt ngày hỏi tôi giọng Bắc, giọng Nam và giọng Trung, nhất là trong 1 trường cùng một chương trình học mà có nhiều giáo viên đến từ các vùng miền khác nhau, phát âm phương ngữ của các vùng miền khác nhau của Việt Nam cùng tham gia giảng dạy, gây khó khăn cho học sinh." - Cô Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
Trên thực tế đội ngũ giáo viên tiếng Việt ở Đài Loan hiện nay, dù rất đông đảo lực lượng tham gia nhưng hầu hết không được đào tạo ở các trường chuyên về ngôn ngữ và sư phạm. Hiện nay nhiều trường Đại học ở Đài Loan có nhu cầu giáo viên giảng dạy tiếng Việt, đòi hỏi trình độ cử nhân hoặc thạc sĩ trở lên.
Cô Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chính bởi những nhu cầu thiết thân này, nên các giáo viên người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) đã rất nỗ lực tham gia các khóa đào tạo giáo viên tiếng Việt do nhà nước Việt Nam tổ chức, nhằm nâng cao năng lực cũng như kết nối mạng lưới hoạt động nghề nghiệp tốt hơn. Cùng với đó, việc tham gia, kết nối tại Diễn đàn dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, cũng giúp cho những giảng viên như cô tìm kiếm những kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt từ các quốc gia khác, để áp dụng vào thực tế tại Đài Loan.