Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp

Song Văn, từ Paris (Pháp)
Chia sẻ
(VOV5) - Dạy nhạc là một cách để truyền bá cho các em những triết lý của dân tộc. Vì trong mỗi làn điệu đều chứa đựng một phần lịch sử, đạo lý, tình cảm mà chúng ta phải giải thích cho các em hiểu.

Với mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, Hội Âu Việt tại Pháp được lập ra còn nhằm hướng tới việc giúp các thành viên, vốn là những người Việt nhập cư, những gia đình có vợ hoặc chồng là người Việt Nam hay thế hệ trẻ sinh ra ở Pháp chủ động tiếp thu và phát triển hài hoà cả hai dòng văn hoá Pháp - Việt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cứ đến thứ chiều thứ 7 hàng tuần, Trung tâm văn hóa Việt Nam ở phố Albert, quận 13 tại Paris, Pháp lại rộn ràng âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát, múa truyền thống Việt Nam.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 1Lớp hát múa của cô giáo Diệu Thúy 

Đây là những lớp học nhạc cụ dân tộc do các thầy cô người Pháp gốc Việt thuộc Hội Âu Việt mở dạy. Ở đây có 7 lớp đàn tranh, 5 lớp đàn bầu, đàn T-rưng, bộ trống gõ và các nhóm múa, hát với khoảng 20 học sinh ở độ tuổi từ 5-15.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 2Lớp học đàn T;rưng của thầy Daniel Phước 

Để có được những lớp học nhạc cụ truyền thống giữa thủ đô Paris này, đội ngũ giáo viên ở Âu Việt phải bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết. Chị Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh em Oriane rất hài lòng khi cho con học thêm nhạc ở đây: "Các thầy cô thường xuyên tự tìm tòi tìm những phương pháp dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam hay các bài hát Việt Nam để làm sao phù hợp với đối tượng học trò sinh ra và lớn lên ở Pháp. Để có bài dạy phù hợp, các thầy cô Âu Việt tự chuyển các bản nhạc dùng cho đàn tranh, đàn bầu hay đàn T’rưng, trống, bộ gõ ".

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 3 Lớp học đàn bầu của thầy Daniel

Cô Jacqueline Chandra là một người Pháp gốc Việt, tốt nghiệp đàn Tranh ở nhạc viện Pháp tâm sự, càng hiểu về chiếc đàn thập lục này, cô càng thêm yêu âm nhạc cổ truyển và càng muốn lưu giữ cho thế hệ trẻ. Bởi theo cô, đây là một nét tinh hoa dân tộc cần được gìn giữ: “Âm nhạc của một quốc gia là linh hồn của cả một dân tộc, tôi đam mê và tự hào đóng góp cho sự tiếp nối của âm nhạc truyền thống Việt. Lúc còn nhỏ ở Việt Nam tôi  thích nghe nhạc, đặc biệt là cải lương khác trên sóng phát thanh. Khi sang Pháp, tôi làm quen với với cây đàn Tranh. Tôi thực sự mong muốn được tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê về âm nhạc dân tộc cho các em và tôi tình nguyện vì điều đó”.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 4Biểu diễn đàn tranh trong đêm hội trăng rằm 

Thầy Daniel Nguyễn Phước được thừa hưởng truyền thống âm nhạc từ gia đình, cha từng là giám đốc nhạc viện Huế, mẹ là giáo viên dạy đàn tranh. Thầy Phươc cũng có nhiều năm tham gia cùng những nhóm nhạc dân tộc ở Pháp và có nhiều đĩa CD thu âm, biểu diễn với các nghệ sĩ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Apganixtan...

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 5Biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Rouen 

Thầy Phước hy vọng thế hệ học trò của mình sau này sẽ tiếp tục công việc bảo tồn và quảng bá nhạc dân tộc Việt Nam: "Tôi biết chơi nhiều nhạc cụ như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, bộ gõ…nhưng đàn Bầu  là nhạc cụ tôi yêu thích nhất. Tôi nghĩ rằng, dạy nhạc là một cách để truyền bá cho các em những triết lý của dân tộc. Vì trong mỗi làn điệu đều chứa đựng một phần lịch sử, đạo lý, tình cảm mà chúng ta phải giải thích và làm sao cho các em hiểu. Chúng ta không chỉ đọc nốt nhạc, không cử động bàn tay trên nhạc cụ mà đó là lúc chúng ta thấm nhuần quá khứ của đất nước và nhận thức được những cách thức biểu hiện tình cảm, văn hóa của người Việt; chúng ta tập tự chủ và rèn luyện phản xạ để nhạc cụ trở nên một phần của chính thân thể mình. Để khi các em vào ngồi đàn thì những hiểu biết đó sẽ truyền bá đến người nghe".

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 6

Không chỉ tận tình với học sinh ở các buổi học cuối tuần, các thầy cô còn theo sát các em trong các lần tổng duyệt và biểu diễn, lo từ việc tập, ghép nhạc đến các dụng cụ âm thanh, ánh sáng, trang phục biểu diễn hay đi cùng các em những chuyến biểu diễn xa nhiều ngày như đến Evran ở Bretagne đến thành phố Rouen tham gia thu đĩa nhạc “Tổ quốc yêu thương” cùng vớp Hợp ca quê hương và Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Rouen. Cháu Emma rất thích đến học nhạc vào cuối tuần ở Âu Việt: "Cháu rất thích đàn tranh, vì đó là một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, quê hương mẹ cháu. Cô giáo dạy đàn cho cháu là Jacqueline. Sau 4 năm học, cháu tiến bộ rất nhanh và giờ chơi thành thạo và có thể tham gia biểu diễn cùng một dàn nhạc gồm nhiều nhạc cụ khác".

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 7Emma học đàn tranh cùng cô Jacqueline 

Chị Nguyễn Sông Hương, phó chủ tịch Hội Âu Việt cho biết, với niềm đam mê và kiến thức sẵn có về âm nhạc do được học ở trường Pháp nên các em tiếp thu rất nhanh và chơi thành thạo được nhiều nhạc cụ truyền thống Việt Nam.Điều làm các em thích thú nhất là vào những dịp đặc biệt như Trung thu, Noel, Tết nguyên đán hay bế giảng năm học nào các em đều được tham gia trình diễn văn nghệ.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 8Tiết mục múa Bèo dạt mây trôi 

Các nhóm nhạc của Âu Việt cũng thường xuyên được Hội người Việt và Trung tâm văn hóa Việt Nam mời biểu diễn giao lưu cho cộng đồng người Việt và Pháp".

 Có thể nói hiện nay ở Pháp, Âu Việt là hội duy nhất có khả năng tổ chức các buổi biểu diễn khá chuyên nghiệp, chương trình gồm các tiết mục nhạc cụ dân tộc, hát và múa, hoàn toàn do các cháu thiếu niên, nhi đồng tự đảm nhiệm. Có được thành quả đó phần lớn nhờ vào những công sức rất lớn của đội ngũ giáo viên có năng lực theo sát học sinh từ nhiều năm như cô Jacqueline Sandra, thầy Daniel Nguyễn Phước, cô Diệu Thuý Introvigne, cô Rosalie Nguyễn….

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 9Một buổi học tiếng Việt với thầy Lê Kim Chi 

Đến Âu Việt, các em còn được học tiếng Việt. Phụ trách chính hoạt động này là thầy Lê Kim Chi, người có những hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam. Là giáo viên lâu năm trong dạy tiếng Việt cho kiều bào và cả người bản địa, Thầy cũng là người soạn giáo trình, định hướng phương pháp giảng dạy và trực tiếp đào tạo giáo viên.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 10Với cô giáo Sông Hương 

Từ những ngày đầu khó khăn, giờ đây các lớp học Âu Việt đã có được cơ sở vật chất đầy đủ, thu hút ngày càng nhiều người đến học. Đối với các thầy cô nói riêng và Hội Âu Việt nói chung, đó còn là niềm hạnh phúc bởi được góp phần nhỏ bé trong việc gìn giữ, tiếp nốí bản sắc văn hóa Việt Nam ở nơi xa xứ.

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 11Các em rất thích hát những bài hát dân ca Việt Nam 

Chị Sông Hương cho biết, định hướng hoạt động lâu dài của Hội Âu Việt là tổ chức các lễ hội truyền thống- hiện đại, các buổi thuyết trình nghệ thuật, văn học, giáo dục hoặc kỹ năng sống, ngôn ngữ hoặc thực hành trong nghệ thuật cổ điển- đương đại, hội nghị, thảo luận... về tất cả những vấn đề liên quan đến bản chất song văn hoá. 

 Dạy tiếng Việt và âm nhạc truyền thống - cách truyền bá văn hóa VN tại Pháp - ảnh 12

Những bó hoa tươi thắm bày tỏ sự biết ơn, kính tặng thầy cô vào những dịp đặc biệt như 20/11 và thành quả của học sinh luôn là nguồn cổ vũ tinh thần, tiếp thêm động lực để những giáo viên Hội Âu Việt tiếp tục truyền dạy và quảng bá ngôn ngữ, âm nhạc dân tộc Việt cũng như gắn kết hơn nữa cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu