Nhạc sĩ Thao Giang luôn dành tình yêu lớn cho âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Hơn 40 năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, với ông âm nhạc như một phần sự sống của mình, nếu như ngày nào thiếu vắng thì ngày đó đều trở nên tẻ nhạt.
Nhạc sĩ Thao Giang đang hướng dẫn các nghệ sĩ hát xẩm (Ảnh: sankhau.com.vn)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhạc sĩ Thao Giang quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) và được giữ lại làm công tác giảng dạy. Ông cũng có nhiều năm học âm nhạc ở nước ngoài. Nhạc sĩ Thao Giang cùng Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam và hiện ông là Giám đốc Trung tâm này.
Nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại: “Trung tâm ra đời năm 2005. Trung tâm sưu tầm, nghiên cứu những dòng âm nhạc dân gian bị thất truyền và phục dựng lại, truyền dạy và đào tạo âm nhạc một cách chính quy. Dạy cho quần chúng, các câu lạc bộ rồi những người yêu thích dòng nhạc dân tộc để phổ cập rộng rãi cho công chúng. Năm 2010, Trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo một số chuyên ngành như hát xẩm, hát trống quân, ca trù, hát văn, quan họ và một số nhạc cụ dân tộc. Kết quả là năm 2015 chúng tôi đã cho tốt nghiệp được lứa đầu tiên gồm 20 cử nhân”.
Nhạc sĩ Thao Giang đã cùng các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc đã mở những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Sự chỉ bảo tận tình của các thày đã truyền lửa, giúp cho nhiều thế hệ học trò hăng say học tập. Nhiều học trò của nhạc sĩ Thao Giang giờ đã giảng dạy ở ngay Trung tâm và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhạc sĩ Thao Giang còn cùng với các nghệ nhân bàn bạc, tìm hướng phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thao Giang đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc, trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa”. Nói tới tác phẩm này, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch kể: “Kể chuyện ngày mùa diễn tả cảnh mùa màng nông thôn, nào là động tác gánh lúa, gặt lúa, kết hợp tiếng chim kêu, gà gáy… sinh động. Tác phẩm nói lên một vụ mùa bội thu và đồng thời toát lên sự sảng khoái của người nông dân khi thành quả lao động đạt được.Kể chuyện ngày mùa được Đài Tiếng nói Việt Nam giữ lại băng khi thu lần đầu tiên. Rất ít tác phẩm sau này vượt qua được tác phẩm đó. Các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài đều biểu diễn tác phẩm đó”.
Trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tác, nhạc sĩ Thao Giang đã dày công sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật hát xẩm. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết: “Năm 2005 chúng tôi đưa hát xẩm ra biểu diễn ở phố hàng Ngang. Dù hôm đó tổng duyệt nhưng khi khán giả đông nghịt, nghe thích luôn, nghe say sưa, bản thân những người duyệt cũng bỡ ngỡ. Sau này chúng tôi diễn hát Xẩm ở hàng Đào, hàng Ngang, hàng Buồm… xung quanh khu vực phố cổ sau đó xuống chợ Đông Xuân để biểu diễn cho rộng rãi. Từ đó suốt 10 năm cuối tuần nào cũng biểu diễn xẩm. Tới nay hát Xẩm đã đi vào đời sống nhân dân trong cả nước, nó đã đi vào sân khấu, xiếc, điện ảnh, chèo, tuồng, cải lương, ca nhạc mới”.
Không chỉ biểu diễn hát xẩm, nhạc sĩ Thao Giang còn tích cực truyền bá, giới thiệu các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc như ca trù, hát trống quân, quan họ... Kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong những lần biểu diễn, nhạc sĩ Thao Giang cho biết có những khán giả cao tuổi, tối thứ Bảy nào cũng ra chợ đêm để nghe hát, dường như nghe hát xẩm, ca trù đã trở thành thói quen của họ. Có những khán giả người nước ngoài cũng rất thích nghe và tìm đến Trung tâm để học hát xẩm, ca trù.
Đến nay, tuy tuổi đã cao, nhưng nhạc sĩ Thao Giang vẫn luôn tận tụy với nghề nghiệp. Ông bảo âm nhạc dân gian là hồn cốt của văn hóa dân tộc. Quan niệm này của ông đã được nhiều đồng nghiệp hưởng ứng. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch tâm sự: “Nhạc sĩ Thao Giang là lứa đàn anh của tôi. Chúng tôi thân nhau từ khi còn nhỏ, tôi cũng hỏi anh cống hiến nhiều thế sao không làm đơn để có cái danh, cái vị cho mình thì nhạc sĩ Thao Giang nói có tham gia hội nhạc sĩ rồi và chức danh nhạc sĩ là cũng được rồi,không yêu cầu gì cả. Con người này làm việc hết lòng, nhiệt tình, có khả năng và trình độ về âm nhạc dân gian. Thao Giang lý luận về âm nhạc dân gian cực hay vì ông là người hiểu rất rộng về âm nhạc dân gian”.
Được trò chuyện với nhạc sĩ Thao Giang, được xem cách ông chỉ dẫn tỉ mỉ cho các học trò của mình, mới hiểu được tấm lòng của người nghệ sĩ luôn tâm huyết đối với âm nhạc truyền thống dân tộc. Bằng cái tâm với nghệ thuật truyền thống, nhạc sĩ Thao Giang đã và đang thầm lặng cống hiến cho việc bảo tồn và phát huy các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.