Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ gốc Việt sinh ra lớn lên ở nước ngoài đã quyết định trở về quê hương Việt Nam khởi nghiệp, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Daniel Nguyễn Hoài Tiến, một thanh niên sinh ở Mỹ là một người như thế. Với vốn hiêu biết rất sâu sắc về dân tộc học, chàng trai Việt kiều quê gốc Quảng Bình đang triển khai những dự án đem lại lợi ích cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Daniel Hoai Tiến sinh năm 1988 tại California, Hoa Kỳ. Ảnh nv cung cấp |
Tại buổi tọa đàm giao lưu mới đây với các thanh niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2018, Daniel Nguyễn giới thiệu dự án và công việc mà anh đang đầu tư, triển khai tại một số khu vực miên núi dân tộc phía bắc Việt Nam. Nhiều bạn trẻ khá háo hức và bày tỏ sự quan tâm đến câu chuyện trở về của Daniel Nguyễn. Qua những trải nghiệm của mình, chàng trai sinh năm 1988 này cho rằng, dù khởi nghiệp ở bất cứ nơi đâu, nếu có đam mê và quyết tâm thì các bạn sẽ thành công. Tuy nhiên, còn gì tuyệt vời hơn khi được cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước:
“Thông điệp mà tôi muốn chuyển đến các bạn là hãy trở về với tinh thần cởi mở đón nhận tất cả từ văn hóa, cách sống, phong tục vùng miền để hiểu hơn về cội nguồn của ông bà, cha mẹ mình. Không có gì là không thể. Việt Nam là một đất nước thú vị, đang tạo ra nhiều cơ hội cho những ai muốn trở về không chỉ để phát triển bản thân. Nếu bạn nào đang có ý định trở về để sống, làm việc hay góp sức thì hãy nhìn tôi như một ví dụ.” Tiến nói,
Daniel Nguyen bị cuốn hút bởi cảnh sắc và con người dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh nv cung cấp |
Daniel Nguyễn có tên tiếng Việt là Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, Caliphoocnia Mỹ, nơi có rất đông người Việt sinh sống. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Hoài Tiến không được dạy tiếng Việt cho đến khi vào Đại học California ở Sandiego. Ở đây, Hoài Tiến đã chọn học Tiếng Việt như một môn ngoại ngữ. Sau tốt nghiệp, Daniel Hoài Tiến đến thành phố New Orleans ở tiểu bang Louisiana để lập nghiệp. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, Daniel Hoài Tiến đẫ giúp sinh kế cho rất những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mêhicô. Anh sáng lập một hợp tác xã nông nghiệp tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, khu chợ trời ở California.
Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, anh được mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng dân tộc thiểu số. Rồi những lần về như thế đã làm lớn dần quyết tâm trờ về quê hương lập nghiệp của Hoài Tiến:“Thực ra lý do sâu xa là từ lần đầu tiên tôi về Việt Nam và cũng lần đầu tiên nhìn thấy bố tôi khóc sau hơn 30 năm được gặp lại gia đinh. Lúc đó tôi chợt hiểu ra rằng, có điều gì đó như một mối ràng buộc chặt chẽ giữa tôi với Việt Nam, dù lúc đấy tôi chưa biết nói tiếng Việt, chưa hiểu gì về Việt Nam cả. Đấy chính là động lực đầu tiên để tôi học tiếng và tìm hiểu về Việt Nam. Rồi nhiều lần sau được mời về công tác, tôi tiếp xúc gần hơn với người Việt. Hiểu lối sống hàng ngày đặc biệt là tình cảm của đồng bào dân tộc vùng núi khiến tôi càng yêu mến và muốn phát triển với bà con”. Tiến chia sẻ,
Nghĩ là làm, thay vì học lên cao học, Hoài Tiến tập trung học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và khám phá cuộc sống ở Việt Nam. Anh nhận thấy thích thú đầu tư vào các dự án để duy trì giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số.
Giờ Việt Nam đã quá thân thuộc với chàng trai tuổi Rồng này |
Giờ đây, sau gần 3 năm sống ở Việt Nam, Daniel Hoài Tiến đã trở thành một người Việt Nam thực thụ với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học. Bằng kinh nghiệm của mình, anh hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh cũng tập trung thu mua bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa như cho bà con dân tộc Hmông, Dao, Thái, Tày...Chiến lược đầu tư của Daniel Hoài Tiến là xây dựng nguyên một chuỗi sản phẩm khép kín từ hợp tác xã địa phương đến chế biến, đóng gói,xin chứng nhận từ nước ngoài, qua đó kể câu chuyện kết nối nông sản truyền thống Việt Nam với thế giới: “Mong muốn của tôi là phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số phía Bắc. Hiện nay, dân tộc thiểu số có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo ra được đầu ra tiêu thụ mà vẫn giữ lại được chiều sâu văn hóa địa phương. Bởi, giá trị văn hóa đó chính là tài sản quốc gia dành cho thế hệ sau".
Từ những việc làm thiết thực của mình, Daniel Hoài Tiến vừa được gần hơn với Việt Nam vừa được đóng góp cho sự phát triển của quê hương mình.