Nhiều kiều bào trẻ hiện nay nhận ra giá trị của truyền thống dân tộc và tiềm năng phát triển của đất nước nên có mong muốn hướng về Việt Nam. Do vậy việc gắn kết thu hút thế hệ trẻ kiều bào với quê hương là việc làm cần thiết. Đây cũng là niềm trăn trở và mong mỏi của GS người Canada gốc Việt Huỳnh Hữu Tuệ, người có nhiều năm làm công tác giảng dạy ở trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
GS Huỳnh Hữu Tuệ. Ảnh: nld |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vấn đề thu hút thế hệ trẻ ở nước ngoài về Việt Nam thời gian qua?
GS Huỳnh Hữu Tuệ: Giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài hiện nay rất quan tâm đến sự phát triển của đất nước. Giới trẻ cũng tha thiết muốn góp phần đóng góp với phát triển của đất nước và có tình cảm gắn bó đối với đất nước. Tôi thấy giới trẻ trong nước rất năng động, có tầm nhìn khá rộng, có bản lĩnh. Nếu biết kết hợp giữa giới trẻ trong nước và giới trẻ Việt Nam ở ngoài nước thì đây là một lực lượng rất đáng kể để xây dựng tương lai của Việt Nam.
Ở trong nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức cho thanh thiếu niên kiều bào chương trình trại hè. Tuy nhiên, bây giờ điều quan trọng là làm sao để tổ chức đại trà cho tất cả các em sinh viên chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ các thanh thiếu niên kiều bào hiện nay. Tôi nghĩ các lãnh sự quán, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần có trách nhiệm tổ chức hoạt động này như là đầu cầu để kết nối giới trẻ ở ngoài nước với trong nước. Các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần đưa ra những hình thức tổ chức để thu hút các bạn trẻ này về với đất nước. Để thu hút các bạn trẻ, các lãnh sự quán, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần có cái nhìn cởi mở, thông cảm, không nên quá gò bó. Bởi thực chất những bạn trẻ quen sống ở nước ngoài quen nên các em có những cách nhìn khác hơn, tự do và tự lập cho phù hợp với cuộc sống ở nước sở tại. Nhưng tôi vẫn hi vọng lãnh sự quán và đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có những hình thức thu hút được lớp trẻ có tình yêu với quê hương nhiều hơn. Về mặt khách quan, khi đời sống của Việt Nam phát triển cao lên, chắc chắn sự thu hút giới trẻ kiều bào về Việt Nam sẽ cao hơn nữa. Do vậy, một mặt chúng ta thực hiện công tác chuẩn bị, một mặt cần thời gian để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn.
Phóng viên: Còn về phía thế hệ trẻ ở trong nước, ông có những nhận xét gì về vai trò của thanh niên hiện nay và sự cần thiết của Nhà nước trong việc trợ giúp để thế hệ thanh niên có nhiều đóng góp cho xã hội?
GS Huỳnh Hữu Tuệ: Giới trẻ trong nước cũng vô cùng năng động. Như vậy, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để giới trẻ trong nước khởi nghiệp và góp phần tham gia vào việc xây dựng đất nước. Như vậy vòng quay của nền kinh tế ngày càng phát triển. Thực ra bây giờ chúng ta hay nói đến cán cân thương mại. Nếu phát triển từ nguồn nội lực thì tôi hi vọng mặt hàng Việt Nam bán ra là của mình chứ không phải là mặt hàng của người khác mà mình bán ra. Do vậy giới trẻ chính là lực lượng là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Vậy nên chúng ta cần tạo điều kiện cho giới trẻ được phát huy cao độ tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mình để cống hiến tài năng, sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Phóng viên: Thưa ông, để thế hệ trẻ kiều bào là lực lượng quan trọng trong việc góp sức xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn thì Nhà nước cần đưa ra các chiến lược như thế nào để thu hút nhân tài trong giai đoạn hiện nay?
GS Huỳnh Hữu Tuệ: Chiến lược để cho trí thức trẻ kiều bào ở nước ngoài đóng góp xây dựng dất nước đó là một chiến lược dài hạn tức là khoảng 20-30 năm, rất dài hơi. Còn để phát triển ngắn hạn, thực chất là làm sao xây dựng được tình cảm gắn bó với quê hương đó là điểm quan trọng của ngày hôm nay. Khi Bộ Giáo dục và đào tạo có một chiến lược 20.000 tiến sĩ trong vòng 10 năm, tôi thấy rằng chiến lược này không có gì sai lầm. Về mặt dài hơi, đó là cái cần thiết phải làm. Các nước những năm 70 của thế kỷ trước họ đã làm rồi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. Nhưng nhu cầu của trong nước mình không thể chờ chiến lược dài hơn đó được mà cần chiến lược ngắn và trung hạn. Cái đó phải quay về Việt Nam chứ không phải làm với bên ngoài. Bởi vì vốn FDI họ không đóng góp gì nhiều cho Việt Nam cả. Ngoại trừ việc giải quyết tạm thời vấn đề về việc làm.
Do đó cần tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển, chủ động giành lại thị trường hiện giờ của mình chứ không để thị trường nước mình vào tay nước ngoài. Về mặt cơ chế, luật pháp và thuế, mình phải có cái gì đó bảo đảm được phần kinh tế của mình tạo ra nguồn dương chứ không phải nguồn âm. Thì như vậy trong vòng 20 năm nữa, mình giải quyết được các vấn nạn kinh tế mà mình đang phải đối đầu ngày hôm nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn GS.