Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe

Phi Hà - Ảnh: Lê Huệ Chi
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là một trong 12 dự án khoa học đầu tiên của Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund (thuộc VinTech City) đã được nhận kinh phí đầu tư.

Bonbouton Việt Nam – công ty khởi nghiệp của tiến sĩ Lê Tùng Linh (Linh Lê) ở New York, Hoa Kỳ đang hợp tác với Viện Điện tử Viễn thông - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong dự án phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến điện cơ từ vật liệu nano graphene vào đai đeo lưng cho người dùng, nhằm dự báo và phòng bệnh đau lưng dưới. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe - ảnh 1 PGS. TS. Nguyễn Hữu Thanh (Viện trưởng Viện điện tử Viễn thông - Đại học Bách khoa Hà Nội và TS. Lê Tùng Linh (phải) kí kết hợp tác.

Tiến sĩ Linh Lê, CEO của Bonbouton chia sẻ, là một start-up khởi nghiệp, các thành viên của Bonbouton rất vui khi nỗ lực hợp tác với các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ trong nước đã thành hiện thực qua dự án lần này. Anh nói, việc mang những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất của thế giới về để cùng hợp tác, phát triển ở trong nước luôn là tâm nguyện của những trí thức trẻ xa xứ như anh: “Chúng tôi rất phấn khích khi tiến về phía trước với cùng một động lực. Thật là hay là khi mình càng làm về cảm biến điện cơ dựa trên công nghệ graphene này thì mình càng nhận thấy nó có những tiềm năng khác. Nó tốt hơn nhiều so với điện cực ướt mà hiện tại các bệnh viện đang dùng để đo cảm ứng điện cơ." - Tiến sĩ Linh Lê nói.

Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe - ảnh 2Tiến sĩ Lê Tùng Linh. 

Công trình cảm biến graphene sử dụng công nghệ inkjet printing của TS. Lê Tùng Linh đã giành được 5 bằng sáng chế của Mỹ và có nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Dự án ứng dụng công nghệ nano graphene (là một loại vật liệu mỏng, nhẹ, siêu bền và gần như trong suốt) để tạo ra cảm biến điện cơ trên vải vóc thay thế cho công nghệ điện cực ướt thế hệ cũ (sử dụng vật liệu Ag/AgCL) để thu và đo đạc tín hiệu điện cơ từ cơ thể con người.

Dự án tích hợp cảm biến điện cơ graphene textile vào 3 sản phẩm wearable đai lưng thông minh (dành cho người bị bệnh đau lưng dưới giúp cảnh báo trước triệu chứng đau cơ), găng tay thông minh (dành cho người cao tuổi, người bệnh phải sử dụng xe lăn giúp điều khiển xe dễ dàng), quần áo thông minh (cho ứng dụng trong phòng chống và phát hiện bệnh lý sớm).

Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe - ảnh 3Các thầy cô giảng viên Viện Điện tử viễn thông trao đổi về vật liệu vải thông minh. 

Anh Vũ Quốc Sỹ, giám đốc quản lý chiến lược vận hành của Boubonton cho biết: "Mục tiêu là sẽ thương mại hóa được công nghệ điện cơ sử dụng vật liệu nano graphene. Ứng dụng của nó là sẽ làm được sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, trong đó một ứng dụng là có thể tiên đoán, dự đoán được những biểu hiện của bệnh đau lưng dưới, loại bệnh rất phổ biến trong những người lao động phải đứng nhiều, cúi nhiều hoặc là dân văn phòng. Mình sẽ biết trước được những triệu chứng bệnh đó" 

Trong công nghệ Bonbouton đã làm được cảm biến in thẳng vào vải từ polyester, cotton, nilon...vv.  Dự án mới bắt đầu từ tháng 11/2019, dự kiến khoảng 18 tháng sẽ ra được sản phẩm thử nghiệm trên người dùng.

Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe - ảnh 4Vũ Quốc Sỹ (bên trái) và Lê Tùng Linh tại hội chợ y tế lớn nhất thế giới MEDICA.

Vũ Quốc Sỹ cho biết: "Bọn em sẽ làm chủ yếu về vật liệu còn Đại học Bách khoa thì sẽ làm đường truyền. Đấy là sự kết hợp khá tối ưu. Sản phẩm trong đó đưa cảm biến điện cơ vào các bề mặt vật liệu khác nhau. Ví dụ như với bệnh đau lưng dưới, chúng em sẽ làm đai lưng, sau đó xây dựng một cái app trên điện thoại, đưa ra các chỉ số có thể báo trước cho người dùng, hoặc là đưa ra chẩn đoán sớm về bệnh đau lưng đó. Với công nghệ mới này, bọn em hy vọng nó sẽ mạnh hơn những công nghệ hiện có trên thị trường, nếu lạc quan thì từ 10 đến 20 lần."

Với dự án này, công ty Bonbouton cũng  ký kết hợp tác, tài trợ và đồng giảng dạy cho 5 sinh viên xuất sắc tại Viện điện tử viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bonbouton hợp tác cùng Đại học Bách khoa nghiên cứu sản phẩm dự báo sức khỏe - ảnh 5Toàn cảnh cuộc họp ký kết giữa Bonbouton và Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Thông cáo của Quỹ VinTech Fund cho biết Quỹ được hình thành với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao vào thực tế thị trường. Lợi thế lớn nhất của VinTech Fund là cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm, điều mà các nhà khoa học, nhà sáng chế cũng như các đơn vị tạo ra giải pháp công nghệ thường gặp khó khăn.

Mục tiêu của VinTech Fund và những nhà khoa học trẻ khởi nghiệp của Bonbouton đã gặp nhau, khi mà ngoài việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng những phát minh mới nhất họ còn hợp tác được với các nhà nghiên cứu, các sinh viên xuất sắc trong nước, chia sẻ trí tuệ, hiểu biết về công nghệ, để cùng nhau hướng ra thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Đ.Huệ
Tự hào trí tuệ trẻ Việt Nam!