Mỗi giọt máu tình nguyện không chỉ đơn thuần là liều thuốc cứu người mà còn là tấm lòng yêu thương, chia sẻ bất hạnh và tiếp thêm sự sống cho người bệnh, đây còn là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người. Với truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, với phương châm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, phong trào hiến máu tình nguyện ở tỉnh Đắk Lắk đang được lan tỏa ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có bài viết Đắk Lắk lan toả phong trào hiến máu tình nguyện:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gần 20 năm nay, anh Hoàng Minh Trung, trưởng nhóm “Hành trình đỏ” huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đều tham gia hiến máu tình nguyện mỗi năm 2 lần. Hiện anh đã có 38 lần tham gia hiến máu cứu người. Anh Trung chia sẻ: Trước đây, trong một lần vào viện chữa bệnh anh và người thân cần dùng đến máu. Lúc ấy mỗi đơn vị máu cũng phải chi trả khá cao. Nếu không có các tình nguyện viên hiến máu nhân đạo giúp, gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi ra viện khoẻ lại tôi luôn tham gia hiến máu và vận động họ hàng, bà con cùng đi hiến máu: Bản thân tôi đã một lần cần máu, và trong gia đình cũng có mẹ cần tới máu cho nên cảm giác khi có máu để truyền cho người thân của mình thì hạnh phúc vô biên. Không có tiền của nào có thể mua được những giọt máu như vậy. Và đặc biệt hơn nữa khi mình đi tuyên truyền, vận động hiến máu và được mọi người đón nhận đó là một điều rất hạnh phúc.
Ở tuổi 56, ông Nguyễn Tấn Chờ, trú tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar cũng đã nhiều lần tham gia hiến máu. Ông Chờ cho biết: Máu AB+ của ông thuộc nhóm máu hiếm nên một số bệnh nhân rất cần. Ông rất vui khi những giọt máu cho đi đã giúp giữ lại sự sống cho người bệnh: Đến nay tôi đã hiến máu 44 lần. Kỷ niệm sâu sắc nhất đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiến máu cứu sống được một người đồng đội. Và sau này nữa là hiến tiểu cầu cứu sống cho một cháu bé 3 tuổi.
Các tình nguyện viên ở Đắk Lắk tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: VOV |
Theo ông Y Wem Hwing, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’ga, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đến nay, bà con đã hiểu được hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn góp phần cứu giúp người bệnh: Trước đây người dân tộc Êđê họ rất là ngại hiến máu. Nhưng mà hiện nay từ thanh niên đến người già người dân tộc Êđê nói riêng và cộng đồng 24 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn huyện Cư M’gar đều háo hức tham gia hiến máu. Họ hiến máu rất nhiều lần và khi có tin ở đâu cần máu là họ tham gia hiến máu ngay.
Ông Nguyễn Đức Phú, Chánh văn phòng Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ vận động được gần 700 đơn vị máu thì đến nay trung bình mỗi năm vận động được hơn 22.000 đơn vị máu. Các đơn vị máu vận động được đã kịp thời cứu chữa giúp cho nhiều bệnh nhân: Đối với công tác vận động hiến máu người dân họ rất nhiệt tình khi chia sẻ những giọt máu của mình cho người bệnh. Để người bệnh có máu cấp cứu, điều trị. Nếu trường hợp xẩy ra các vấn đề thiếu máu thì Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã có phương án để câu lạc bộ hiến máu dự bị như: Đoàn khối các cơ quan tỉnh, trường đại học Tây Nguyên, câu lạc bộ Huyết hồng của công an tỉnh, câu lạc bộ của một số trường học… sẽ tiếp tục hiến máu để cho đủ máu cấp cứu, điều trị.
Phong trào hiến máu tình nguyện tại tỉnh Đắk Lắk hiện đã lan toả đến nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Những giọt máu nghĩa tình không chỉ đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh, mà còn thể hiện tình cảm, sự sẻ chia, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp.