Ngay từ sáng sớm ngày 14/6 (tức 5/5) âm lịch, ở các khu chợ truyền thống, người dân Hà Nội tấp nập mua rượu nếp, hoa quả, bánh gio,... về thắp hương để làm thủ tục “giết sâu bọ” trước khi bắt đầu ngày mới. Hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhất vào lúc sáng sớm. Tết Đoan Ngọ của người Việt Nam được tiến hành vào chính giờ Ngọ - giữa trưa của ngày mùng 5/5 Âm Lịch hàng năm. Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên dân dã, đó là ngày "giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì Việt Nam là nước nông nghiệp nên ngày Tết này rất quan trọng. Rượu nếp là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày này. Ngoài cơm rượu nếp trắng, nhiều người còn tìm mua cơm rượu nếp cẩm để bày lễ. Giá cả các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ tăng so với ngày thường, trung bình một gói nhỏ rượu nếp có giá 10.000 - 50.000 đồng tuỳ trọng lượng. Rượu nếp và nếp cẩm được chia thành thành từng cốc nhỏ, tiện lợi hơn. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch thuộc một trong những giai đoạn nóng nhất trong năm, các loại côn trùng và mầm bệnh sinh sôi nảy nở, gây hại cho mùa màng. Theo truyền thuyết, vào ngày này, được sự hướng dẫn của ông lão Đôi Truân, người dân đã dùng các món ăn dân dã như bánh gio, trái cây để tiêu trừ thành công những loài gây hại đó, dần dần hình thành truyền thống giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan ngọ 5/5. Bánh gio là món ăn truyền thống dịp Tết Đoan Ngọ, có nhiều tên gọi như bánh ú, bánh tro, hay bánh âm, làm bằng gạo ngâm nước tro, gói trong lá chuối. Bánh dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vải và mận là loại quả đặc trưng mùa hè được ưu ái chọn vào mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Vĩnh Quyên Từ khóa: VOV VOVworld VOV5 người Hà Nội đi chợ sớm mua rượu nếp bánh tro trong Tết Đoan Ngọ Phản hồi * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi đi Xem thêm