Hát Xẩm là một thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo bởi sân khấu của nghệ sỹ hát Xảm là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.
Một thời gian dài, hát Xẩm trở thành món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Xẩm đề cập đến nhiều câu chuyện sâu xa của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…
Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa.
Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành...
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long từng học thanh nhạc, nhưng rồi do bị bệnh xoang không hát được nên anh mới chuyển qua học lý luận, phê bình âm nhạc và nhờ đó mà đến với xẩm và nhận thức rằng xẩm thực sự là “vàng rơi” của âm nhạc dân gian.
Anh đã cùng cộng sự của mình đi tìm gặp các nghệ nhân. Không chỉ chắp nối và phục dựng các làn điệu xẩm cổ, anh cùng cộng sự còn sáng tác mới và còn nghiên cứu áp dụng những hình thức biểu đạt mới kết hợp với xẩm như nhạc rap để thu hút thêm giới trẻ. Và để xẩm được phổ biến rộng rãi hơn, anh cùng cộng sự của mình lập ra nhóm xẩm Hà Thành và mối duyên với Xẩm lại đưa anh về làm ca sĩ để truyền bá vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật này.
Với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã hồi sinh những làn điệu xẩm cổ, thổi hơi thở thời đại vào những sáng tác mới, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người trẻ…
Mời quí khán thính giả gặp gỡ Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long và nhóm xẩm Hà Thành trong chương trình đặc sắc Tết Nhâm Dần trên VOV5 MEDIA