Nhìn lại một năm Công nghiệp Văn hóa Việt Nam: Tìm cơ trong nguy

VOV5 MEDIA
Chia sẻ
(VOV5) - Hiển thị - Vietnam shows là nơi gặp gỡ của các chuyên gia với những góc nhìn đa diện về sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Ngành công nghiệp văn hóa non trẻ của Việt Nam mới được định danh trong Quyết định số 1755 ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt năm 2016.

Thời điểm tổng kết 5 năm triển khai Chiến lược cũng là thời điểm ngành công nghiệp văn hóa phải đối diện với vô vàn khó khăn thách thức do các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đại dịch kéo dài triền miên cản trở nhiều hoạt động du lịch; ước tính trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta giảm 70,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các bảo tàng, triển lãm phải ngừng hoạt động; thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết lượt khách thăm quan trong đại dịch đã giảm 93%.

Cùng lúc đó, doanh thu ngành điện ảnh chịu thiệt hại nặng nề, giảm 70-80% so với năm 2019 do rạp chiếu phim đóng cửa và nhiều phim điện ảnh Việt bị hoãn chiếu. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn khác cũng rơi vào tình trạng đóng băng.

Dù vậy, văn hóa vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ được truyền dẫn bởi sức mạnh nội sinh của cộng đồng, mạnh mẽ vươn lên giữa hoàn cảnh dịch bệnh đầy biến động nhờ năng lực sáng tạo không ngừng nghỉ và bản lĩnh của những cánh chim vượt bão.

Giữa một năm sóng gió, công chúng vẫn được chứng kiến những kỉ lục mới được thiết lập, những tầm cao mới đạt được mang dấu ấn của những nỗ lực phi thường, để tìm CƠ trong NGUY – tạo tiền đề cho năm 2022 hồi sinh và bứt phá.

Mở đầu chương trình là phóng sự nhìn lại một năm của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam 2021 với nhận định của Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình rằng đây là một năm đầy khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra nhưng cũng là một năm ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vượt khó thành công với nhiều tin vui.

Tiếp theo, Chuyên gia đồng hành của Hiển Thị - Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương trò chuyện cùng hai nhân vật nổi bật trong lĩnh vực ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn để hiểu hơn về những thách thức và cơ hội mà đại dịch đem lại trên chặng đường sáng tạo của họ, cũng như của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung trong một năm 2021 đầy thử thách.

Đó là các vị khách mời:

- Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong năm 2021, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam đã có một dấu ấn rất quan trọng với vở diễn “Những người khốn khổ”.

- Bếp trưởng Hoàng Tùng. Anh mở nhà hàng đầu tiên năm 26 tuổi, và nhà hàng của anh sau 3 năm hoạt động đã được tổ chức World’s 50 Best bình chọn là 1 trong 100 nhà hàng tốt nhất châu Á vào năm 2021.

Kết thúc chương trình là giọng ca Soprano của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Đào Tố Loan. Đào Tố Loan là một cánh én bé nhỏ vượt giông bão năm 2021, đã mang những khát vọng của Nhà hát Nhạc kịch Việt Nam đến với những sân chơi thế giới. Loan đã giành được giải ba trong cuộc thi Opera của thế giới tổ chức vào tháng 10 năm 2021.Trước đó, Loan đã giành giải nhất trong cuộc thi Opera Đông Nam Á.

Đào Tố Loan với sự đồng hành của Pianist Phúc Phan trình diễn khúc nhạc “Cánh chim báo tin vui” như là một thông điệp, như là một lời chúc của êkíp làm chương trình và những cánh én vượt giông bão của chúng ta cho một năm mới bình an, đầy hoài bão, đầy khao khát và thật là thành công.

Một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng một đốm lửa nhỏ có thể xua đi bóng tối.

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc tháng 11/2021 đã mở ra tầm nhìn thời đại, xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng nền “văn hóa soi đường cho quốc dân”.

Chính những thành tựu từ gian khó 2021 này sẽ là nền tảng cho năm 2022 Phượng Hoàng tái sinh và cất cánh./. 

Chuỗi talkshow Hiển thị - Vietnam shows là chuyên mục mới của Ban Đối ngoại VOV5, là diễn đàn truyền hình đa nền tảng chuyên sâu, tập trung vào viêc nhận diện và phản ánh thực trạng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, góp phần tạo động lực cho các chủ thể công nghiệp văn hóa Việt Nam phát huy nội lực, kiến tạo nên những giá trị bền vững cho xã hội trên nền tảng văn hóa và tri thức bản địa, phát huy sức mạnh mềm để hình ảnh Việt Nam hiển thị rạng rỡ trên trường quốc tế.
 
 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu