Hội thảo đã diễn ra tại thành phố Cảnh Hồng, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế về Voi lần thứ ba diễn ra vào ngày 10/12/2024 tại Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, Trung Quốc. Sự kiện do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vân Nam, Tân Hoa Xã, Tỉnh ủy Tây Song Bản Nạp và Chính quyền Nhân dân Tây Song Bản Nạp phối hợp tổ chức.
Diễn đàn đã quy tụ các đại diện truyền thông quốc tế, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông, nhằm thảo luận các chiến lược truyền thông, đổi mới công nghệ và khai thác giá trị văn hóa của di sản thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sự kiện cũng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy giao lưu và phát triển bền vững di sản thế giới.
Trong bài phát biểu chủ đề “Tăng cường giao lưu về di sản thế giới, nâng cao hiệu quả truyền thông quốc tế”, ông Phùng Tuấn Dương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vân Nam đã giới thiệu về nguồn tài nguyên di sản phong phú của tỉnh Vân Nam và các thành tựu đã đạt được. Ông nhấn mạnh rằng Vân Nam sẽ tập trung xây dựng một hệ thống truyền thông quốc tế hiệu quả hơn, đặc biệt hướng tới khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Các chiến lược bao gồm: Tích hợp tài nguyên truyền thông quốc tế tại 16 thành phố, huyện thị và các lĩnh vực như hàng không, văn hóa du lịch, đối ngoại và giáo dục; Kết nối với các cơ quan truyền thông quốc gia và quốc tế, mở rộng các kênh truyền thông ra toàn cầu; Xây dựng các thương hiệu truyền thông đặc sắc như “Truyền thông + Du lịch”, “Truyền thông + Văn hóa”, nhằm hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp liên quan.
Bà Trình Mạn Lệ, Viện trưởng danh dự Viện Nghiên cứu Truyền thông Quốc tế Đại học Bắc Kinh có bài phát biểu tập trung vào chủ đề “Giá trị và Chiến lược Truyền thông Quốc tế của Di sản Thế giới”, trong đó nêu bật bốn hướng chiến lược:
1. Tăng cường giáo dục cộng đồng về di sản.
2. Quảng bá du lịch dựa trên di sản.
3. Đẩy mạnh truyền thông đa kênh.
4. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Bà cũng nhấn mạnh rằng Tây Song Bản Nạp cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khai thác sâu sắc các giá trị văn hóa dân tộc và kể những câu chuyện gắn kết Tây Song Bản Nạp với các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á trong giao thương, giao lưu nhân dân và lịch sử nhân văn.
Diễn đàn còn tổ chức hai buổi đối thoại chuyên sâu:
1. Đối thoại giữa Di sản Trung Quốc và Di sản Thế giới: Chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông văn hóa di sản trong bối cảnh đa văn hóa.
2. Đối thoại về Di sản Vân Nam và Trung Quốc: Khám phá vai trò của công nghệ mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.