Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định mới thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, từ cuối năm 2021, các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam là VNPT, Viettel và Mobifone đã tích cực triển khai thí điểm (trong 2 năm) giải pháp thanh toán mới mang tên Mobile Money. Bước đầu triển khai, Mobile Money được đánh giá là giải pháp tài chính an toàn, tiện lợi và đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Mobile Money là giải pháp tài chính cho phép người dân có thể gửi/nhận tiền, chi tiêu, mua sắm, thanh toán các dịch vụ… bằng điện thoại di động mà không cần qua bất kỳ trung gian nào. Đây là một tài khoản chứa tiền, gắn liền với số thuê bao di động của người dùng.
Điểm khác biệt và cũng là ưu điểm lớn nhất của Mobile Money so với các ví điện tử đó là với ví điện tử, người dùng bắt buộc phải liên kết với một tài khoản ngân hàng để nhận hoặc chuyển tiền, trong khi với Mobile Money, người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng, mà có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản Mobile Money để sử dụng.
Ngoài ra, các loại ví điện tử đòi hỏi người dùng phải cài đặt ứng dụng trên smartphone để sử dụng, còn với Mobile Money, những loại điện thoại phổ thông cơ bản vẫn có thể sử dụng được để thanh toán và chuyển tiền, giúp việc sử dụng Mobile Money trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Mobile Money được đánh giá là giải pháp tài chính an toàn, tiện lợi và đầy tiềm năng tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Linh Anh |
Sau một thời gian sử dụng dịch vụ, chị Nguyễn Hải Đường, chủ cửa hàng hoa tại quận Hà Đông, Hà Nội vui mừng cho biết:“Khi chưa có dịch vụ Mobile Money này thì khách hàng đến mua hoa gặp không ít khó khăn cho việc thanh toán liên quan đến chuyển khoản. Thế nhưng giờ đây khách hàng chỉ cần thực hiện một thao tác thôi là tôi có thể nhận được tiền chỉ với chiếc điện thoại đen trắng. Rất là tiện lợi”.
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên thúc đẩy nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và tiết giảm chi phí. Theo định hướng này, ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money. Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con được phép tham gia thí điểm. Đến cuối năm 2021, ba nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam là VNPT, Viettel và Mobifone đã được cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong hai năm.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, trong cả 2 quyết định về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Mobile Money được xem là giải pháp nhằm triển khai hiệu quả dịch vụ tài chính đến với mọi người dân. Việc Mobile Money có thể hoạt động mà không cần tài khoản ngân hàng giúp cho dịch vụ này có thể tiếp cận được một lượng lớn người dùng tại Việt Nam, đặc biệt những người lớn tuổi hoặc những người ở khu vực nông thôn, hẻo lánh, khi mà việc mở tài khoản ngân hàng đối với những đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, Mobile Money có thể sử dụng dễ dàng cho các giao dịch hàng ngày với quy mô nhỏ, chẳng hạn mua đồ tại quầy tạp hóa, ăn uống ở những quán ăn đường phố, mua sách, báo… giúp hạn chế việc sử dụng tiền mặt và tiến tới một nền kinh tế số không sử dụng tiền mặt trong tương lai.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Vietnam+ |
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, tin tưởng: “Với tệp khách hàng lớn cũng như với cách thức chúng ta triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian vừa qua, tôi hy vọng hệ sinh thái số sẽ được mở rộng và người dân sử dụng Mobile Money có thể mua sắm, thanh toán được nhiều các loại hàng hóa, dịch vụ..”.
Sử dụng dễ dàng, song Mobile Money cũng được bảo vệ một cách an toàn, với danh tính của người dùng đã được xác nhận (thông qua quá trình xác nhận số thuê bao di động), giúp tránh tình trạng lừa đảo hoặc chiếm đoạt một cách bất hợp pháp. Đại diện các nhà mạng viễn thông triển khai dịch vụ tự tin khẳng định, mức độ an toàn của Mobile Money là rất cao.
Ông Ngân Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định, dịch vụ Mobile Money do VNPT triển khai được tích hợp các công nghệ hiện đại của ngành ngân hàng và viễn thông như định danh điện tử eKYC, AI/Bigdata, Machine Learning, QR code; các giải pháp thanh toán không tiếp xúc như NFC, sóng âm….
Tài khoản Mobile Money được quản lý trên các hệ thống hạ tầng kỹ thuật an toàn, đạt các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế như PCI-DSS. Đồng thời, tiền trong tài khoản Mobile Money cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng các quy định như đối với tài khoản ngân hàng. Ông Ngân Diên Hy nhấn mạnh: “Về mặt quản trị rủi ro, VNPT áp dụng những quy trình và công cụ kiểm soát quản trị rủi ro nghiêm ngặt để đảm bảo cho các khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money của VNPT được an toàn tuyệt đối”.
Trên thế giới đã có khoảng 100 quốc gia triển khai dịch vụ Mobile Money. Dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế cho biết, quy mô của dịch vụ Mobile Money toàn cầu có thể đạt 12 tỷ USD vào năm 2024, đóng góp 0,5% vào tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, đến cuối năm 2021 có khoảng 130 triệu thuê bao di động hoạt động và độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% dân số. Trong khi đó, khoảng 60 triệu người dân, tương đương 69% dân số, chưa có tài khoản ngân hàng. Đây được đánh giá là những nền tảng và điều kiện thuận lợi để việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money chắc chắn thành công, tiến tới triển khai chính thức và ổn định dịch vụ tiềm năng này.