WB đánh giá tác động của RCEP đối với Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Trong báo cáo mới này, các chuyên gia của WB đưa ra 4 kịch bản cho các hoạt động của RCEP.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo mới, phân tích những cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Theo các chuyên gia WB, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.

WB đánh giá tác động của RCEP đối với Việt Nam - ảnh 1Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Trong báo cáo mới này, các chuyên gia của WB đưa ra 4 kịch bản cho các hoạt động của RCEP. Trong đó, kịch bản thứ nhất là giai đoạn bắt đầu và kịch bản thứ tư được đánh giá là lạc quan nhất. Theo kịch bản thứ nhất, trong giai đoạn năm 2020-2035, Việt Nam sẽ giảm mức áp thuế nhập khẩu trung bình từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi được hưởng mức thuế xuất khẩu giảm từ 0,6% xuống 0,1%. Theo kịch bản này, tăng trưởng thu nhập của Việt Nam gần bằng 0 và xuất-nhập khẩu thậm chí còn giảm.

Kịch bản thứ 4 là kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác có thu nhập tăng chỉ khoảng 2,5%. Tất cả các nước thành viên RCEP đều sẽ chứng kiến xuất-nhập khẩu tăng, trong đó Việt Nam dự kiến đạt mức tăng xuất khẩu cao nhất với 11,4%, đặc biệt là xuất khẩu thiết bị điện, máy móc, hàng dệt và quần áo. Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể, ở mức 9,2%.

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề chính của Việt Nam là ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cao không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn trong lĩnh vực dịch vụ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu