Việt Nam ứng phó với lạm phát năm 2016

Chia sẻ
(VOV5) - Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước. Đây là diễn biến khá lạ so với quy luật mọi năm. Bởi thông thường, sau hai tháng có kỳ nghỉ Tết, chỉ số tiêu dùng tăng cao, thì sang tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng chậm lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn cần cẩn trọng và không thể chủ quan với lạm phát 2016.

(VOV5) - Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước. Đây là diễn biến khá lạ so với quy luật mọi năm. Bởi thông thường, sau hai tháng có kỳ nghỉ Tết, chỉ số tiêu dùng tăng cao, thì sang tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng chậm lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn cần cẩn trọng và không thể chủ quan với lạm phát 2016.

Việt Nam ứng phó với lạm phát năm 2016 - ảnh 1


Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, tháng này có 2 nhóm tăng, trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất. Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm nay lại tăng khá cao so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng. Việc điều chỉnh giá này được áp dụng đồng loạt ở nhiều địa phương trong tháng 3 theo lộ trình. Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Lạm phát đang phải chịu thêm xung lực từ những áp lực tăng giá dịch vụ, đồng thời áp lực độ trễ của chính sách nới lỏng tài chính tín dụng sẽ phát tác trong thời gian tới. Tất cả sẽ hội tụ và tạo ra áp lực tăng giá. Chưa kể một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo và một số mặt hàng khác đang được giá, nghĩa là nó sẽ được cộng thêm vào các chi phí trong rổ tính CPI. Như vậy, có thể nói năm 2016 sẽ là năm có thể sẽ phải vất vả hơn trong vấn đề kiểm soát lạm phát".

Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng khá cao so với tháng trước, song, tính cả quý 1 năm nay thì mức tăng mới chỉ là 0,99%. Với mức tăng này, dư địa điều hành kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay còn khá lớn. Mục tiêu đề ra trong năm nay, lạm phát sẽ được chủ động điều hành ở mức dưới 5%. Tính chung trong quý 1 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp. Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định: "Theo quan điểm tôi thì lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức thấp bởi những nhân tố chi phí đẩy ví dụ như nhân tố đầu vào cụ thể là nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt là giá dầu vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, với lòng tin của người tiêu dùng đã bắt đầu ấm dần lên, hay một số thị trường cũng bắt đầu khôi phục lên, cho nên, trong bối cảnh những năm tới thì theo tôi, dự báo về kiểm soát lạm phát vẫn ở mức thấp".

Theo các chuyên gia kinh tế, khi chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường; đặc biệt, sẽ tạo ra dư địa cho các chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều áp lực cho tỷ giá năm 2016. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong thời gian tới".


Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2016.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu