Việt Nam khởi động chặng đường phát triển mới

Vĩnh Phong, Chung Thủy, Lệ Hằng
Chia sẻ
(VOV5) -  Chặng đường phát triển mới đối với nền kinh tế Việt Nam thực sự đã bắt đầu khi Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,5%, hoàn tất đàm phán và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN...

(VOV5) -  Chặng đường phát triển mới đối với nền kinh tế Việt Nam thực sự đã bắt đầu khi Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,5%, hoàn tất đàm phán và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN...


Ở thời điểm bước vào năm mới 2016, song hành cùng những cơ hội phát triển, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức mới.

Việt Nam khởi động chặng đường phát triển mới - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Kết thúc năm 2015, Việt Nam liên tiếp có những tin vui: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) bắt đầu có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán và chuẩn bị đi đến ký kết. 31/12, ngày cuối cùng của năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, đánh dấu bước ngoặt trong sự hội nhập toàn diện giữa các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế cơ năng lực cạnh tranh cao, có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Như vậy là việc gia nhập các FTA, TPP và AEC sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng, tạo ra hàng triệu việc làm mới, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho Việt Nam. Thêm vào đó là cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra triển vọng to lớn về sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Do đó, các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến hội nhập. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo: “Năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục công cuộc tái cơ cấu kinh tế.Việt Nam sẽ bắt đầu cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường trong nước. Đây là thách thức cạnh tranh rất lớn. Người Việt Nam luôn chấp nhận thách thức và luôn vươn lên mạnh mẽ trong thách thức.Vì vậy, tôi hy vọng 2016 sẽ là năm Việt Nam cải cách mạnh mẽ về thể chế và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và sẽ cạnh tranh hiệu quả với các hàng hóa của các nước”.

Việc tham gia FTA, TPP và AEC rõ ràng là bước hội nhập quan trọng của kinh tế Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nói riêng, vào nền kinh tế của khu vực và thế giới. Bởi vậy, cùng với các chính sách của Chính phủ, vai trò chủ động của các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Nếu chúng ta cải cách tốt, Việt Nam rất dễ trở thành nơi hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Mà đã là hấp dẫn nhất thì tất nhiên là sẽ cạnh tranh nhưng nói về chuỗi và mạng thì đây là cơ hội có một không hai cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi và mạng. Khó khăn rất nhiều, thách thức cũng rất lớn, nhưng chúng ta linh hoạt, chuyển sự linh hoạt ấy với những tư tưởng lớn, với sự chuyên nghiệp thì hoàn toàn Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn”.

Năm 2015, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tăng trưởng GDP 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua và vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Trong giai đoạn 5 năm tới, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7%, Việt Nam đã và đang triển khai chính sách kinh tế minh bạch, công khai thông tin, cải thiện hơn môi trường kinh doanh và cải cách nền kinh tế. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Năm 2016, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi chậm nhưng chắc chắn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu đầu vào tiếp tục thấp. Môi trường kinh doanh theo Ngân hàng thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ tăng nhiều bậc, năm 2015 đã tăng 3 bậc nhưng năm 2016 tăng 10 bậc”.

Như vậy là những giá trị từ những cơ hội và thách thức của việc hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam trong năm 2016 đã được nhận thức đầy đủ. Yêu cầu sống còn là tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới. Cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải là những bước chuẩn bị kỹ càng của Việt Nam để khởi động một chặng đường phát triển mới, chặng đường hội nhập bền vững cùng nền kinh tế toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu