Năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân được khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao trong năm 2023.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 12/2022 và dự báo cho năm 2023 đánh giá Việt Nam sở hữu những lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, như: chi phí nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi (gần trung tâm sản xuất phía Nam Trung Quốc), ổn định chính trị và nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn khó khăn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI. Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo các chuyên gia, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Để thu hút đầu tư, việc đầu tiên làm phải là hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp phải xử lý rất tốt. Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp. Và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt thì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic, nếu mở cửa hội nhập càng tốt, càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều - mà lại là loại đầu tư chất lượng cao - sẽ tạo ra áp lực để buộc phải cải cách mạnh hơn nữa."