Theo báo cáo mới nhất của New World Wealth (NWW - công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu) và Henley & Partners (công ty tư vấn về định cư và quốc tịch thông qua đầu tư), Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến sự tăng trưởng tài sản mạnh nhất thế giới trong thập kỷ tới với mức tăng 125%. Đây là mức tăng tài sản lớn nhất trên thế giới tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người và số lượng triệu phú USD.
Theo ông Andrew Amoils, nhà phân tích của NWW, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến sản xuất hấp dẫn với các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, thời trang và dệt may toàn cầu. Việt Nam hiện có 19.400 người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên và 58 người sở hữu tài sản từ 100 triệu USD trở lên. Nhà phân tích của New World Wealth cho biết Việt Nam được xem là một quốc gia tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, các công ty nước ngoài khi mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Điều này càng củng cố thêm lựa chọn của các công ty coi Việt Nam như điểm đến hàng đầu.
Báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey đánh giá Việt Nam có “vị trí chiến lược” khi gần với các tuyến thương mại hàng hải lớn. Bên cạnh đó, chi phí lao động thấp cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu là những nhân tố giúp đưa Việt Nam trở thành một “điểm đến hàng đầu” thu hút đầu tư quốc tế.
Trong đánh giá định kỳ mới đây về kinh tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, Việt Nam đã chứng kiến 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 7% và nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình. Theo AFD, với nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam đã định vị thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, ông Herve Conan, cho biết: "Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, bất chấp tình trạng lạm phát cao tại nhiều quốc gia trên thế giới tác động đến nhập khẩu hàng hóa Việt Nam . Trong đánh giá định kỳ nền kinh tế vĩ mô 3 năm một lần, được tiến hành từ đầu năm ngoái, AFD ghi nhận sự vững vàng của kinh tế Việt Nam cùng sự ổn định chính trị- xã hội, cũng như việc triển khai chính sách tài chính thận trọng và tăng trưởng kinh tế cao. Quy mô thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là lợi thế không thể phủ nhận của Việt Nam trong việc thu hút các công ty nước ngoài”.
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người Việt Nam là khoảng 2.190 USD và hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi.