VBF 2020 - Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới

Chia sẻ
(VOV5) - Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp. 

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 trong năm nay, và kỳ vọng lớn vào các giải pháp tiếp theo đây của Chính phủ.

VBF 2020 - Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới - ảnh 1

Quang cảnh Diễn đàn VBF 2020. - Ảnh: VOV.VN

Đây là thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới" tổ chức sáng 22/12, tại Hà Nội. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, những bài học từ việc khống chế thành công dịch COVID-19 của Chính phủ hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện để tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), để phục hồi và tiếp tục phát triển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF 2020, cho rằng: “Bên cạnh các đánh giá cao về nỗ lực Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính cũng như môi trường đầu tư kinh doanh thì cũng còn một số vấn đề có thể chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ minh bạch, đảm bảo dự đoán trước được vấn đề. Về cơ bản các bộ ngành sẽ tiếp thu ý kiến để nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi trong hệ thống pháp luật Việt Nam sao cho thật thuận lợi giải quyết được các ách tắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp”.

Cũng tại diễn đàn, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kỳ vọng Chính phủ cải thiện nhiều chính sách kinh tế, chính sách tài chính, chính sách thuế cởi mở hơn, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các nhà đầu tư. Đây sẽ là nền tảng để nền kinh tế Việt Nam đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu