Ưu tiên dùng hàng Việt Nam vì mục tiêu phát triển kinh tế đất nước

Lại Hoa, Văn Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp các doanh nghiệp xác định rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của thị trường trong nước. 
(VOV5) - Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp các doanh nghiệp xác định rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của thị trường trong nước.


Đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa. Qua đó, thay đổi thói quen mua, dùng hàng Việt của người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, đưa nền kinh tế đất nước phát triển bền vững. 


Ưu tiên dùng hàng Việt Nam vì mục tiêu phát triển kinh tế đất nước - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây: 


Sau gần 8 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như về quy mô cung - cầu hàng hoá. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn và cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, các chợ... trên toàn quốc, hàng Việt chiếm số lượng lớn và tâm lý người tiêu dùng đã tin dùng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng.

Tại Thành phố Cần Thơ, có 16 siêu thị, trung tâm thương mại và hơn 100 chợ truyền thống, lượng hàng Việt chiếm từ 90 – 95%. Người tiêu dùng Cần Thơ đã tin tưởng và sử dụng hàng Việt thay cho một số hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… năm 2016 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt gần 96.000 tỷ. Có được kết quả này là do Thành phố làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc vận động, từ đó người dân hiểu và tin vào hàng Việt. Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ, cho biết: "Trong năm 2017, chúng tôi sẽ có sự phối hợp để tăng cường kiểm tra và giám sát. Mặt trận sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát việc chấp hàng pháp luật đối với các cơ sở y tế hoạt động tư nhân, trong đó có dùng thuốc Việt Nam. Thứ hai là quản lý mua bán, sử dụng vật tư nông nghiệp, bởi cũng có xuất hiện hàng giả, hàng nhái nông dân rất khó chịu khi sử dụng hàng mà không có chất lượng, vừa tốn tiền vừa mất công mà không hiệu quả. Và đặc biệt chúng tôi phối hợp giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm".

Cuộc vận đồng đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt Nam đang tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Để Cuộc vận động ngày càng có hiệu quả, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có thêm những chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cho rằng: "Về vấn đề giá và thuế, đây cũng là hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Nếu chỉ mình doanh nghiệp hợp tác với người dân thì giá và thuế ủng hộ trong thời gian khởi đầu. Nếu cứ để một doanh nghiệp loay hoay thì rất khó. Tôi đề nghị Chính phủ có chính sách cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp".

Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương, sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Cùng với đó là ban hành các biện pháp để tôn vinh, đánh giá, công nhận các sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp uy tín trên thị trường. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho biết sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc vận động. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Thông điệp hướng tới chất lượng cao thì người Việt Nam quyết tâm là làm được vì mỗi lần chúng ta mua hàng Việt Nam là một người Việt Nam bớt thất nghiệp. Mỗi lần mua hàng Việt Nam thì người Việt Nam có lao động. Chỗ này người yêu nước, chất lượng có chênh 1 chút, giá có cao hơn nhưng nếu nghĩ rằng để thu nhập, để Việt Nam có việc làm thì họ còn hành động. Chỗ này yêu nước nằm ở vùng ngưỡng, chứ không thay thế quy luật cạnh tranh".

Từ tác động của Cuộc vận động, doanh nghiệp Việt nam đã thay đổi tư duy phát triển, tiếp cận với các yêu cầu cao hơn của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị… từ đó sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng cao để phục vụ thị trường trong nước, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu