TP.HCM đẩy mạnh thu hút đầu tư xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon

Lệ Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Các động thái này nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong chiến lược phát triển những năm tới, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đặt ra những mục tiêu quan trọng về tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đặt chỉ tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Để làm được điều này, TP.HCM đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án xanh, mới đây Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM công bố 28 dự án ưu tiên đầu tư vào các nhóm ngành, như: giao thông, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, điện tử, vi mạch, bán dẫn, trung tâm dữ liệu… Cùng với đó, Thành phố cũng cải thiện môi trường pháp lý và chính sách. Chủ tịch UBND TP.HCM, Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang hoàn thiện khung chính sách tăng trưởng xanh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Hiện tại, TP.HCM đã có Nghị quyết 98, cho phép rút ngắn quy trình thủ tục lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ lập dự án và cấp giấy phép các dự án. Sắp tới, Thành phố sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội một số nội dung về tăng trưởng xanh.
TP.HCM đẩy mạnh thu hút đầu tư xanh  và phát triển thị trường tín chỉ carbon - ảnh 1Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kêu gọi đầu tư các dự án xanh ở Thành phố Ảnh: Lệ Hằng

Ông Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi sẽ chọn các lĩnh vực tiên phong. Việc chuyển đổi phương tiện giao thông để giảm phát thải là một ưu tiên, hay phát triển toà nhà xanh, làm điện áp mái trên các tòa nhà. Vấn đề lớn hơn nữa là chuyển đổi năng lượng, trao đổi tín chỉ cacbon… Tất cả những việc này chúng tôi đã chuẩn bị”.

Các động thái này nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Công nghệ năng lượng ALENA, cho biết nếu có cơ chế chính sách thuận lợi hơn để triển khai dự án và giá mua điện hợp lý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi các phương tiện giao thông ít phát thải của thành phố. Trước mắt, ông Phan Ngọc Ánh kiến nghị Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp mặt bằng đặt trạm sạc cho pin xe máy điện, sử dụng điện mặt trời để sạc pin, đảm bảo nguồn điện sử dụng sạch 100%.

TP.HCM đẩy mạnh thu hút đầu tư xanh  và phát triển thị trường tín chỉ carbon - ảnh 2Chất thải rắn nếu được xử lý bằng công nghệ mới có thể tạo ra năng lượng để phát điện. Ảnh: Tú Uyên

“Việc chuyển đổi pin cho các xe máy điện có thể sử dụng điện từ các trạm sạc điện mặt trời, có thể sử dụng tại các bến bãi bến, mặt bằng, không gian trống, công viên. Từ đó, tận dụng việc sạc điện vào các bộ pin và chuyển đổi thành các hệ thống lưu trữ. Xe máy điện có thể sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo”.

Đánh giá cao quyết tâm theo đuổi tăng trưởng xanh của TP.HCM, bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng để thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh thành phố cần tiến hành một cách đồng bộ, thay vì làm từng ngành riêng rẽ. Bà Carolyn Tuck cũng nhấn mạnh đến vai trò xanh hóa chuỗi cung ứng tư nhân, khuyến cáo TP.HCM xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư, trong đó nên tập trung ưu đãi thuế.

Song song với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư xanh, TP.HCM cũng đang thúc đẩy việc phát triển thị trường tín chỉ carbon. Hiện nay, Thành phố giao Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (Hufic) làm đầu mối để điều phối tín chỉ cacbon. WB cũng có kế hoạch cung cấp cho TP.HCM 1 gói viện trợ không hoàn lại trị giá 40 triệu USD và gói hỗ trợ kỹ thuật 10 triệu USD để Thành phố phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Hufic, thị trường tín chỉ carbon là vấn đề mới, chưa nằm trong quy định về chức năng hoạt động của quỹ đầu tư phát triển đô thị nên cần xây dựng chính sách để có khung pháp lý phù hợp.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các luật sư của WB để xây dựng cơ chế, chính sách đề xuất xin Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm chức năng hoạt động cho Hufic. Đồng thời, chúng tôi cũng xin cơ chế tài chính, xây dựng tư cách pháp nhân để có thể nhận khoản viện trợ của WB”.

Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế hoạt động, theo ông Mani Mathukumara, Chuyên gia về kinh tế - môi trường của WB, một vấn đề lớn nữa mà TP.HCM cần lưu ý, đó là phải xác định được người mua và người bán trên thị trường tín chỉ carbon. Người mua sẽ là những doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, sự cắt giảm phát thải của doanh nghiệp ở Thành phố phải được công nhận bởi 1 đơn vị có chức năng và uy tín, để người mua có niềm tin về chứng chỉ carbon đã được xác minh, công nhận.

Ông Mathukumara cho rằng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao dịch thị trường tín chỉ carbon thế giới, trước tiên các doanh nghiệp phải có ý tưởng, dự án, sau đó mang dự án, ý tưởng này đến đơn vị chức năng để xác minh. Các đơn vị này đồng thời cũng có thể cung cấp nguồn tài chính, đối tác để tham gia vào mua bán tín chỉ trên thị trường. Chuyên gia Mani Mathukumara nhấn mạnh đây là lĩnh vực WB đang có thế mạnh nên WB sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ TP.HCM, với đầu mối là Hufic: “Tại TP.HCM, Hufic sẽ là đơn vị trung gian tập hợp các dự án, ý tưởng. Hufic sẽ kết nối và làm việc trực tiếp  đơn vị xác nhận, xác minh tín chỉ carbon và người mua tín chỉ. Hiện Chính phủ Singrapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đều muốn mua tín chỉ carbon”.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của TP.HCM đang được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm. Do đó, TP.HCM cam kết hoàn thiện khung chính sách, cơ chế trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm lợi ích lâu dài của các nhà đầu tư.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu