Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam hiện có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái.

Nằm trong chuỗi sự kiện Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 đang diễn ra tại Đà Nẵng, chiều 26/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức hội thảo: "Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững" nhằm trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững theo hướng tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực hiện có, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn gắn với du lịch bền vững ở Việt Nam.

Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - ảnh 1

Ảnh minh họa. Ảnh: Mỹ Trà/VOV5

Việt Nam hiện có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm. Tổng mức đóng góp của Du lịch và Lữ hành vào GDP của Việt Nam là hơn 18 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 9% tổng GDP trong năm 2016. Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của các dự án của Ngân hàng thế giới đang triển khai về cách quản lý bền vững các khu bảo tồn và phát triển du lịch, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới, cho biết: “Chúng tôi mong muốn có những giải pháp lâu dài về những vấn đề để phát triển bền vững du lịch và đa dạng sinh học. Trên thực tế Việt Nam là 1 trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới do vậy phải bỏ công sức bảo tồn nó. Bên cạnh đó chúng ta phải biết khai thác các tiềm năng du lịch của đất nước để hướng tới những mục tiêu tốt đẹp hơn nhưng phải nhất quán đến những mục tiêu để bảo tồn đa dạng sinh học. Ở đây cần phải có sự phối hợp để bảo vệ đa dạng sinh phục vụ phát triển kinh tế đất nước”.

Bên lề của kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì, chiều ngày 25/6, còn diễn ra các diễn đàn bao gồm: Quản lý rác thải nhựa đại dương; Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu