Việt Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững dòng sông Mekong

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần ba tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Ủy hội trong hợp tác vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng tới phát triển bền vững lưu vực Mekong.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần ba diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/4 tại Siem Reap, Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội, hai đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức lưu vực sông quốc tế... tham dự.

Mục tiêu then chốt của hội nghị là tăng cường nỗ lực chung và quan hệ đối tác nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó chú trọng mục tiêu quản lý bền vững nguồn nước. 

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững dòng sông Mekong - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Tiếp nối Hội nghị cấp cao lần thứ hai tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2014, Hội nghị lần này tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Ủy hội trong hợp tác vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng tới phát triển bền vững lưu vực Mekong.

Chung một dòng sông, chung một vận mệnh

Sông Mekong dài khoảng 4,800km chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Cùng với nguồn tài nguyên phong phú, 65 triệu dân tiểu vùng Mekong đã và đang đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước trong khu vực.

Uỷ hội sông Mekong (MRC) là tổ chức liên chính phủ về hợp tác và đối thoại khu vực tại lưu vực sông Mekong, thành lập năm 1995 dựa trên Hiệp ước Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. MRC có chức năng như một diễn đàn khu vực về ngoại giao nguồn nước, cũng như đầu mối về quản lý nguồn nước vì sự phát triển bền vững của khu vực.

Sau hơn 20 năm thành lập, Ủy hội sông Mekong đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Tuy nhiên, lưu vực sông Mekong hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động khác của biến đổi khí hậu. Hiện sông Mekong là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán, tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính. Do vậy, Hội nghị lần này khẳng định cam kết chung sức của các nước khu vực, các đối tác, các nhà tài trợ bảo đảm an ninh nguồn nước, tăng cường quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, khẳng định: “Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thực hiện được nhiều vấn đề có tính chất chiến lược trong vùng. Thứ nhất là thông qua được những kế hoạch vùng và quốc gia thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định lại cam kết cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc đảm bảo phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, xác định những lĩnh vực ưu tiên và hướng đi trong giai đoạn tới”.

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững dòng sông Mekong - ảnh 2Sông Mekong (khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Cửu Long) là một trong những con sông rộng lớn nhất thế giới và có mức đa dạng sinh học cao - Ảnh: tinmoitruong.vn

Lợi ích của Việt Nam gắn liền với dòng Mekong

Đối với Việt Nam, sông Mekong có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, đóng góp gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và chiếm khoảng 23% tổng dân số. Vì vậy, Việt Nam luôn tích cực tham gia hợp tác tại các tổ chức khu vực, quốc tế về nguồn nước cũng như tăng cường hợp tác Mekong với các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…

Năm 2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mekong với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong”. Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Việt Nam chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 vừa diễn ra tại Hà Nội tuần trước, vấn đề sử dụng bền vững nguồn nước Mekong một lần nữa được Việt Nam tích cực thúc đẩy trong chương trình nghị sự, đạt được sự đồng thuận nhất trí cao của các nước thành viên và các quốc gia đối tác, cam kết cùng hợp tác đưa khu vực Mekong trở thành khu vực phát triển bền vững theo các đề xuất của Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra: “Tăng cường chia sẻ thông tin, tiến hành nghiên cứu chung về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong. Nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào chính sách phát triển quốc gia của từng nước thành viên. Thúc đẩy việc Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái để làm rõ lợi ích của một môi trường sinh thái khỏe mạnh cho phát triển bền vững và nhiệm vụ cùng nhau bảo vệ môi trường”.

Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2018, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với sự hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết của mình chung sức cùng các nước khu vực, các đối tác, các nhà tài trợ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó chú trọng mục tiêu quản lý bền vững nguồn nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu