Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tầm nhìn phát triển cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Chia sẻ
(VOV5) - 3 quan điểm phát triển của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng

Sáng 27/9, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm mở ra những chính sách mang tính đột phá biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại một sinh kế lâu dài cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế; huy động nguồn lực cần thiết có thể được. Cụ thể hóa thành các hành động thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ…" 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tầm nhìn phát triển cho Đồng bằng Sông Cửu Long - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/ Quang Hiếu) 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội nghị xác định rõ tất cả thách thức về biến đổi khí hậu mà Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, chỉ ra quan điểm đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, sắp xếp quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối trong toàn vùng, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu kết luận Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Thành phố Cần Thơ, chiều 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên các thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong 100 năm qua tại đây; việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ; các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy, gây ra hiện tượng sụt lún lớn với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn nặng nề.

Thủ tướng cũng nêu thách thức về chất lượng nguồn nhân lực đối với vùng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh các thách thức này không phải là dự báo mà hiện hữu, cần được nhận thức và xử lý một cách biện chứng, không tách rời.

Thủ tướng cũng đã nêu ra 3 quan điểm phát triển của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùngThủ tướng cũng nhấn cần xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội.

Về các giải pháp tổng thể, Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp quy hoạch tích hợp phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng để nâng cao hiệu quả thực chất, thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm xuyên suốt.

Bên lề hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng 27/9 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức Christian Berger, Đại sứ Australia Craig Chittick, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg và Công sứ Nhật Bản Jun Yanagi.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của các nước và cho biết các chương trình hỗ trợ này đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng, bảo vệ môi  trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các Đại sứ các nước tiếp tục hỗ trợ Đồng bằng Sông Cửu Long  lập quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của địa phương, góp phần vào thành công của Hội nghị và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt nam và mỗi nước ngày một thiết thực, hiệu quả hơn. 

Trước đó, tại Hội thảo chuyên đề Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì diễn ra ngày 26/9, tại Thành phố Cần Thơ, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội, thủy lợi, quản lý tổng hợp nguồn nước, phát triển nông nghiệp bền vững… Nhiều đại biểu cho rằng trong số hơn 2.500 quy hoạch vùng ĐBSCL có nhiều quy hoạch chỉ chú trọng giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, địa phương, không đặt trong tổng thế phát triển vùng. Vì vậy để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vấn đề đầu tiên và quan trọng bậc nhất và là tiền đề cho tất cả mọi giải pháp kế tiếp là phải nhanh chóng xây dựng được một qui hoạch tổng thể theo phương thức tích hợp. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: "Phải dựa trên một nghiên cứu tổng thể, một bài toán tổng thể và sắp xếp lại một cách khoa học nhất, thích ứng với cả biến đổi khí hậu của từng vùng miền và thích ứng với điều kiện sản xuât và trình độ sản xuất, rồi văn hóa, thói quen, tập quán của từng vùng miền, từng địa phương thì chúng ta mới giải quyết được. Nếu chúng ta nông nghiệp đi theo kiểu nông nghiệp, đất đai đi kiểu tài nguyên đất đai, giao thông đề xuất kiểu giao thông thì chúng ta không đi theo một bài toán tổng thể được và lại đơn lẻ, riêng lẻ, manh mún thì chúng ta không thể giải quyết được vấn đề ĐBSCL".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu