Tại buổi làm việc sáng 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2018 nếu không tăng trưởng, giải quyết việc làm tốt, không xuất khẩu tốt, vĩ mô không tốt thì sẽ khó khăn cho nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng muốn lắng nghe các ý kiến của các thành viên tổ tư vấn góp ý vào phương châm năm 2018 “Hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Họp Sơ kết hoạt động năm 2017 và kế hoạch hoạt động năm 2018 của Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Tổ tư vấn cho rằng trong năm 2018, để nâng cao tính hiệu lực bộ máy, thì phải tạo áp lực từ nhiều chiều, trong đó có áp lực từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đến các bộ trưởng; áp lực từ báo chí, công luận đến bộ máy. Cùng với đó, cần sửa đổi Luật đất đai để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các thành viên cũng đề xuất tạo độ mở lớn hơn cho du lịch,và một trong những điểm cần tập trung là miễn thi thự.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chức năng của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng không chỉ là kinh tế vĩ mô mà còn tư vấn về các lĩnh vực của sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Đánh giá cao các thành viên Tổ tư vấn đã đề cập rất nhiều vấn đề quan trọng, Thủ tướng cho rằng, Tổ cần tư vấn tìm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ở cả các lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) của nền kinh tế, có giải pháp không để nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ của Tổ tư vấn thời gian tới:"Việc thứ nhất tôi đề nghị Tổ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế xã hội một cách chủ động, nhạy bén, để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tư vấn cho Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ, không để tình trạng kéo dài, phức tạp theo tình hình, ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Tôi nói ví dụ như là vấn đề trạm BOT Cai Lậy, vấn đề rất nóng của xã hội; hay một số vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp mà dư luận rất quan tâm, không phải chúng ta giải quyết hiện tượng này, nhưng từ hiện tượng này chúng ta giải quyết bản chất sự việc xung quanh vấn đề BOT, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề thương hiệu trong cổ phần hóa…
Thủ tướng cũng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, sự tâm huyết, nâng cao chất lượng tư vấn. Cùng với đó là lưu ý đến tính kịp thời, tính thực tiễn, tính khả thi trong điều kiện và hoàn cảnh thể chế, kinh tế xã hội nước ta. “Quý vị cần hiểu rằng Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong điều kiện cụ thể thời điểm đó”: Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song với đó, Tổ tư vấn cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Trong đó có việc chủ động theo dõi tham gia ý kiến dự thảo chính sách của Thủ tướng và Chính phủ để có quyết sách, quyết định đúng đắn kịp thời, phù hợp với tình hình.Cho rằng Tổ tư vấn là kênh quan trọng để Thủ tướng tham khảo, sử dụng những kiến thức, trí tuệ vào điều hành, Thủ tướng đề nghị:
"Cái mà người ta nói là “trên nóng, dưới lạnh”, quý vị tư vấn, hiến kế cho Thủ tướng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ ngành chủ động vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn. Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Phải chuyển đổi hệ thống chứ không phải chuyện động một bộ phận. Việt Nam mình nói thì nhiều mà làm thì ít, không sát dân, không sát cơ sở, không chia sẻ những bức xúc của người dân, những chủ trương chính sách đến cơ sở còn yếu lắm, kém lắm.
Để nâng cao hiệu quả tư vấn, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cần có sự phân công, điều phối công công việc một cách nhịp nhàng hơn giữa các thành viên; có hình thức sinh hoạt phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực chất và tránh hình thức; phát huy vai trò thế mạnh từng thành viên. Các ý kiến của thành viên Tổ tư vấn có thể gửi trực tiếp cho Thủ tướng, hoặc qua Tổ tư vấn, hoặc qua Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng cũng đồng ý về đề xuất của Tổ tư vấn về việc nghiên cứu chuyên sâu một số chủ đề trong năm 2018 để đề xuất, báo cáo Thủ tướng, trong đó có vấn đề cải thiện chất lượng nền kinh tế, cải cách thể chế, vấn đề hội nhập và công nghiệp 4.0… Kết quả các chuyên đề này sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, có thể sẽ trở thành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ về cơ chế chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, hoặc thông điệp Thủ tướng đưa ra xã hội mới là sản phẩm cuối cùng của tổ tư vấn.