Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp:Những bước tiến đáng ghi nhận

Hồng Vân VOV5
Chia sẻ
(VOV5) -Những kết quả đạt được trong năm 2017 là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành với doanh nghiệp.

Năm 2017 chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Một loạt chính sách được ban hành cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Những kết quả đạt được trong năm 2017 là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành với doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp:Những bước tiến đáng ghi nhận - ảnh 1Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ảnh: Phạm Huyền/Vietnamnet.vn) 

Năm 2017, Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.  Cụ thể là rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu; cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chính phủ cũng tổ chức nhiều hội nghị với doanh nghiệp, diễn đàn về phát triển kinh tế ngành, vùng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Các con số ấn tượng

Năm 2017, những quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, trong đó có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng chục nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh với rất nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tạo nên đường hướng phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.      

Chính phủ và các cơ quan chức năng đã xử lý được khoảng 80% trong số hơn 1.100 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả là năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, trên 120 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong 17 năm từ khi Việt Nam có Luật doanh nghiệp. Cùng với đó là có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cho rằng:  Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã yêu cầu tập trung vào nhiệm vụ cải cách thể chế. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ nghị định hướng dẫn thi hành luật đầu tư và luật doanh nghiệp theo tinh thần mới. Thủ tướng rất sát sao trong việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết các yêu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp.

Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ còn được thể hiện ở sự đánh giá tích cực của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế. Báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 20 bậc trong năm 2017.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp:Những bước tiến đáng ghi nhận - ảnh 2Chủ tịch Toàn cầu của PricewaterhouseCoopers Robert Moritz.

Trong khi đó, ông Robert Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PricewaterhouseCoopers (PwC), đánh giá:  "Việt Nam là một quốc gia đang duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và đó là một điều rất quan trọng. Kinh tế Việt Nam luôn giữ được sự ổn định và tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài đều muốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Theo khảo sát do PwC thực hiện, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia và nền kinh tế hàng đầu mà các CEO APEC muốn đầu tư, điều này được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh quy mô dân số Việt Nam đang có sự thay đổi lớn".

 Sự vào cuộc rõ nét của các Bộ, ngành, địa phương

Một năm qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ, ngành, địa phương. Một số Bộ, ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp như Bộ Tài chính thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công thương ban hành phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương…

Trong khi đó, một số địa phương tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp…Hà Nội triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến. Quảng Ninh đi đầu trong việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Đà Nẵng ghi dấu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ…

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, nhận xét: "Một  năm có nhiều kết quả của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Phải nói rằng những rào cản về môi trường kinh doanh như điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp, quản lý chuyên ngành, những quy định bất hợp lý, quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp đã được giải quyết. Ở đây không chỉ Chính phủ mà các Bộ, các địa phương cũng chuyển động. Nhiều sáng kiến khá thành công trong việc cải thiện môi trường kinh doanh như những trung tâm hành chính công, cà phê doanh nhân - doanh nghiệp.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu