Thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài 2015

Ngọc Xuân
Chia sẻ
(VOV5) - Tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, đồng nội tệ ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể là nguyên nhân tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

(VOV5) - Tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, đồng nội tệ ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể là nguyên nhân tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bất chấp những biến động của thế giới, năm 2015, Việt Nam vẫn thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp mước ngoài dồi dào và ổn định. Tính đến hết tháng 11, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 20,22 tỷ USD. Những nỗ lực cải cách thể chế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua là nền tảng duy trì sự ổn định và tăng trưởng của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài 2015   - ảnh 1
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy của Tập đoàn Kymco (Đài Loan - Trung Quốc) tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: nhandan.com.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:





Tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, đồng nội tệ ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể là nguyên nhân tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu tổ chức hồi tháng 9/2015 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Môi trường đầu tư tại Việt Nam năm qua được cải thiện mạnh mẽ, nhất là về chính sách pháp luật. Cụ thể, Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 đã phát huy hiệu quả. Luật Đầu tư mới bãi bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư, thực hiện rút ngắn thủ tục đăng ký cho nhà đầu tư, các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đã giảm hơn so với trước. Luật Doanh nghiệp mới cũng tạo ra đột phá khi không hạn chế số lượng, ngành nghề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thay đổi này tạo sức hấp dẫn rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong năm 2015, đáng chú ý là sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nếu những năm trước đây, đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: tài chính, chứng khoán, bất động sản…thì năm thời gian gần đây xu hướng đầu tư đã chuyển dịch sang các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và nhất là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Những năm gần đây, Bình Dương chỉ đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài bình quân 1 tỷ USD/năm. Song hàng năm, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào đều vượt cao so với chỉ tiêu đề ra và luôn nằm trong top các tỉnh thành thu hút nhiều vốn FDI nhất trên cả nước. Tỉnh cũng đã chủ động lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp với sự phát triển của địa phương, khuyến khích kếu gọi các tập đoàn, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và thị trường rộng lớn; thu hút các ngành công nghiệp cao, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng như điện, điện tử, dược phẩm, cơ khí chính xác. Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: “Tỉnh hạn chế những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng công nghệ sạch đầu tư ngoài khu công nghiệp thì tỉnh vẫn ủng hộ, nhất là các tỉnh phía Bắc, đối với phía Nam thì vẫn ưu tiên phát triển dịch vụ. Hầu hết nhà đầu tư hài lòng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn”.

Năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó Công nghiệp chế biến, chế tạo là  lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài với 892 dự án đầu tư đăng ký mới và 491 lượt dự án tăng vốn. Các dự án đầu tư trong năm nay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản. Hiện đã có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,3 tỷ USD. tiếp theo là Malaysia, Nhật Bản và British Virgin Islands  Các dự án lớn điển hình có thể kể đến như: Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 của nhà đầu tư Malaysia tại tỉnh Trà Vinh; Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam Hàn Quốc tại tỉnh Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do Công ty Bất động sản Thiên Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd, Vương quốc Anh, đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Tập đoàn, các nhà đầu tư lớn trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song giai đoạn 2011-2015 Việt nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9% , theo hướng tăng dần, năm 2015 đạt trên 6,5% (cao nhất trong 5 năm trở lại đây). Bên cạnh đó với các Hiệp định Thương mại tự do đang  mở ra không gian thương mại rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác bao gồm tất cả các thành viên nhóm G7 và 15 thành viên của G20. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng tôi thực hiện chương trình cải  cách hình thức đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu kết cấu hạ tầng với ưu tiên cho các dự án có công nghệ cao  có công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ. Nghị định đầu tư theo hình thức PPP đã có hiệu lực sẽ tạo tiền đề  để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI”.

Năm 2015, là năm Việt nam tham gia nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại có tính chất bước ngoặt. Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn. Trong đó, đã kết thúc đàm phán 2 Hiệp định lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, 2 Hiệp định thương mại đã được ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Cùng với những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải cách thể chế trong nước và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trở thành động lực, mở ra nhiều cơ hội để Việt nam đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu