Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP đầu tiên

Nguyễn Quang
Chia sẻ
(VOV5) -  Huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, vừa ra mắt Câu lạc bộ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã/phường 1 sản phẩm nông nghiệp).

Đây là địa phương đầu tiên của thành phố tiên phong thành lập hội nhằm giúp cho nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp có thêm điều kiện trao đổi kinh nghiệm, mở rộng tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP đầu tiên - ảnh 1Huyện Bình Chánh, TP.HCM ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản phẩm OCOP. Ảnh Nguyễn Quang

Huyện Bình Chánh có 27 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, như: sữa dê tiệt trùng, rượu sâm đinh lăng, mật ong, cây hoa lan, mai vàng, phân bón hữu cơ vi sinh… Việc ra mắt Câu lạc bộ sản phẩm OCOP đầu tiên của thành phố cho thấy sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và các cấp hội địa phương, nhằm giúp cho sản phẩm OCOP phát triển bền vững.

Với những bản hợp đồng, những biên bản ghi nhớ đã được ký kết từ việc bán hàng trực tiếp lẫn giao dịch thương mại điện tử, đầu ra cho sản phẩm OCOP của Bình Chánh rất khả quan. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ kỳ vọng doanh số đạt trung bình khoảng 50 tỷ đồng (2 triệu USD)/tháng.

Ông Trần Thanh Oanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết: Câu lạc bộ này sẽ trở thành ngôi nhà chung cho các hội viên tại địa phương, giúp nông hộ, Hợp tác xã đẩy mạnh nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ: "Để nâng giá trị cho sản phẩm sẽ có ban kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Vừa qua, chúng tôi đã thành lập nhà máy phân bón hữu cơ organics, định hướng tới những hội viên câu lạc bộ đều được hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và được bao tiêu đầu ra".

Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP đầu tiên - ảnh 2Ông Trần Thanh Oanh, Chủ nhiệm CLB sản phẩm OCOP huyện Bình Chánh. Ảnh: Nguyễn Quang

Để gia tăng các sản phẩm OCOP của huyện, bà Khưu Thị Diễm Phượng, Chủ tịch của Hội Nông dân huyện Bình Chánh, cho biết: Hội tiếp tục hướng dẫn hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân tham gia chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh tại huyện Bình Chánh giai đoạn 2020 – 2025. Đặc biệt, giúp nông hộ thay đổi ý thức sản xuất cá thể, nhỏ lẻ truyền thống sang mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có tính liên kết cao…: "Hiện tại nông dân đã chủ động chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin. Từ những ứng dụng này đã giảm rất nhiều về nhân công, chi phí, vận chuyển. Sàn thương mại điện tử bà con cũng đã được tập huấn và một số đơn vị đã áp dụng, giúp giảm rất nhiều chi phí, đầu ra hiệu quả và thu nhập của nông hộ cũng cao hơn so với trước".

Hiện, Câu lạc bộ sản phẩm OCOP của huyện Bình Chánh có 24 hội viên. Sắp tới, huyện Bình Chánh sẽ xây dựng điểm trưng bày, thương mại sản phẩm OCOP.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu