Tập trung các giải pháp bảo đảm cung cầu - ổn định thị trường hàng hóa

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ giao, ngành Công Thương tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả.

Mặc dù thị trường hàng hóa nửa đầu năm nay chịu ảnh hưởng không nhỏ từ nguồn cung thế giới, nhưng hàng hóa tại thị trường Việt Nam, nhất là lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu phục vụ tiêu dùng luôn được duy trì tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của doanh nghiệp. Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, ngành Công Thương tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả.

Tập trung các giải pháp bảo đảm cung cầu - ổn định thị trường hàng hóa - ảnh 1Ảnh minh họa: Vietnam+

6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm diễn ra rất nhiều những sự kiện và những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung. Tại Việt Nam, những yếu tố này ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung về nguyên liệu cho các ngành sản xuất. Đồng thời ảnh hưởng đến đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông sản. Về xăng dầu, cùng với sự khó khăn chung của cả thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, với nhiều chỉ tiêu đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết:Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Công Thương rất cố gắng trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất công nghiệp và hỗ trợ cho việc xuất khẩu.

Thứ hai mà tôi nghĩ rằng cũng là một điểm sáng, đó là tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7% so với cùng kỳ của năm 2021. Trong bối cảnh như chúng ta đã biết, hết sức khó khăn, để đảm bảo mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhất là mặt hàng xăng dầu, trên thế giới, nguồn cung rất bị ảnh hưởng và hạn chế trong khi sản xuất trong nước gặp khó khăn.

Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan với sự chỉ đạo rất quyết liệt kịp thời của lãnh đạo Chính phủ điều hành xăng dầu linh hoạt và phù hợp với xu hướng của giá xăng dầu thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

6 tháng cuối năm, nền kinh tế dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Để có thể hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022, ngành Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao để phục hồi kinh tế đất nước. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Bộ Công Thương luôn bám sát vào những chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng như là phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương và doanh nghiệp để bám sát vào tình hình trên thế giới, khu vực, các thị trường mà chúng ta đang đẩy mạnh hoạt động về xuất khẩu. Đặc biệt là bám vào những nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp cũng như là các địa phương để điều hành. Trong hoạt động về xuất khẩu, về sản xuất công nghiệp, thị trường trong nước cũng phải bám sát vào tình hình thực tiễn.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phối hợp các địa phương và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu