Trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của ngành Công Thương rất khả quan.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương |
Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/07, tại Hà Nội.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đánh giá: 6 tháng đầu năm, hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh COVID-19.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân hồi phục. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới do việc đứt gãy nguồn cung nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi luôn được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022, gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; Điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%. Để đạt được các mục tiêu này, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cùng với đó, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất.