Tạo động lực mới, khơi dậy nguồn lực phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu đề nghị Quy hoạch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, toàn diện để thoát trũng, giảm nghèo.

Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, diễn ra chiều qua (21/12), tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Tạo động lực mới, khơi dậy nguồn lực phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc - ảnh 1Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: VOV

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần có cách tiếp cận khoa học, bài bản, đánh giá đúng vai trò, vị trí của vùng trong phát triển chung cả nước. Từ đó, xác định những vấn đề liên địa phương, liên vùng, quốc gia… cần giải quyết, nhằm tạo động lực mới, khơi dậy nguồn lực trên cơ sở lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa… để vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, xây dựng xây dựng Quy hoạch với tư duy theo hướng phát triển vùng một cách bền vững, không làm tổn hại tới các yếu tố văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để xây dựng mô hình dân cư, giáo dục, y tế cho người dân vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Phân bố lại dân cư, sắp xếp lại dân cư là vấn đề lớn. Kèm theo đó là phát triển dân cư cho đồng bào, người dân để vừa sinh sống vừa lao động sản xuất. Lúc đó mới triển khai được đồng bộ về mục tiêu phát triển nông thôn và các chính sách cho đồng bào dân tộc. Tôi đồng tình ở các khu vực này không đặt ra vấn đề mức độ đô thị hóa cao. Chúng ta phải hiểu tài nguyên chính là con người và thiên nhiên nên việc sắp xếp các tuyến dân cư, cụm dân cư sắp xếp các tuyến dân cư các đô thị nhỏ vùng núi phù hợp”.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Quy hoạch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, toàn diện để thoát trũng, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương và với các vùng khác; bảo vệ môi trường, nhất là rừng, nguồn nước, an toàn sinh thái, đa dạng sinh học, xử lý tốt giữa bảo tồn và phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu