Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho các ngành hàng trong nước, trong đó, có ngành dệt may.
Dệt may là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động, đứng hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021 đạt hơn 40 tỷ USD. Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may, giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bên cạnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng: Hiệp định RCEP giúp củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên khác và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Hiệp định RCEP đã thúc đẩy trong năm 2021 có hàng loạt các dự án đầu tư trong khối vào thị trường Việt Nam vào lĩnh vực sản xuất vải. Đặc biệt là vải dệt kim tương đối mạnh, chúng ta còn đang hạn chế vải dệt thoi, ngành dệt may đang tiếp tục thúc đẩy liên kết chuỗi và xây dựng cung thiếu hụt, không phải chỉ phục vụ cho thị trường RCEP mà phục vụ cho cả các hiệp định thương mại khác.
Với độ lớn về quy mô, RCEP có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May, 10 cho rằng: Hiệp định RECP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế về xuất khẩu, đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.
Chúng tôi cũng đang tập trung khai thác chuỗi cung ứng trong nước. Và cũng nằm trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, trong dài hạn, chúng tôi cũng mong muốn là phải mở rộng hơn nữa và kêu gọi nhiều nhà đầu tư hơn nữa, để có đáp ứng được xuất xứ đi để chúng tôi được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định RCEP.