Hiện nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đã và đang đưa ra những đánh giá rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 và xa hơn, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh về các yêu cầu đặt ra cho tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá xuất khẩu, khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, lên tới hơn 200%.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên/ kinhtedothi.vn |
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của Trái đất. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, phải thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn từ các thị trường lớn.
Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các bộ, ngành và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng - vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thực hiện cam kết của Chính phủ đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp".
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên/ kinhtedothi.vn |
Tại Hội thảo, các tham luận đã trao đổi về các chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; các hàng rào thuế quan với phát thải khí nhà kính dựng lên trong môi trường thương mại quốc tế; cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới; những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26. Đồng thời nhấn mạnh đưa phát thải ròng về 0 là xu thế tất yếu của nhân loại và việc chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.