Nghe âm thanh bài tại đây:
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã công bố chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050. Đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành, xanh hóa cũng đang là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường.
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hiện quản lý hơn 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Tùng Đinh |
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hiện quản lý hơn 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước. Trong đó, diện tích cao su trong nước là gần 300.000 ha, tại Campuchia là hơn 87.000 ha và tại Lào là gần 30.000 ha. Mỗi năm, VRG sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại. Việc VRG công bố chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050, là một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Đáp ứng thách thức mới của thị trường
Chiến lược Xanh của VRG được đưa ra trong bối cảnh thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn về môi trường và năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ví dụ, EU sẽ áp dụng Quy định chống phá rừng từ 30/12 năm sau đối với các mặt hàng như cacao, cà phê, cao su. Ngoài ra, từ đầu tháng này EU cũng đang áp dụng thí điểm thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu vào khối, tiến tới thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Do đó, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu xanh, ít phát thải, sử dụng ít năng lượng là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+ |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Từ góc độ thương mại thì có thể trong thời gian tới các nước có thể áp dụng các sắc thuế đánh vào các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng nhiều năng lượng hay có độ phát thải cao.
Đó sẽ là những hàng rào thương mại đối với các sản phẩm của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại, đều phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ vấn đề này để có sự thay đổi, từ quy trình sản xuất cho đến việc đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu”.
Trong chiến lược Xanh vừa công bố, VRG đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, như: giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm nay; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% diện tích cao su toàn tập đoàn và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Hướng đến năm 2050, VRG đặt mục tiêu toàn tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
VRG cũng dành nhiều ưu tiên cho quyết tâm xanh hóa quy trình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng sử dụng theo hướng gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu VRG đặt ra là đến năm 2050, nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối chiếm tối thiểu 50% tổng nhu cầu sử dụng; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 – 30% so với tổng nhu cầu đồng thời giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.
Xanh hóa để tạo lợi thế cạnh tranh
Với nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su, việc xanh hóa sản phẩm, xanh hóa quy trình sản xuất cũng là chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh, nâng giá trị thương hiệu trên thương trường.
Công ty Cổ phần (CP) Cao su Phước Hòa (tỉnh Bình Dương) đã dành riêng một quy trình cho sản xuất xanh. Cụ thể, mủ cao su từ vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ được sản xuất theo quy trình xanh từ xe chuyên dụng chở mủ cao su, khu tiếp nhận, đến dây chuyển sản xuất. Thành phẩm đạt tiêu chuẩn xanh xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Ông Trần Văn Nhẫn, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến và Xây dựng, thuộc Công ty CP Cao su Phước Hòa, cho biết: “Nguyên liệu sản xuất đạt chứng chỉ được tách từ vườn cây ở nông trường, được vận chuyển bằng xe riêng và khi về đến nhà máy thì sẽ được chế biến riêng và có đánh dấu riêng”.
Bắt đầu từ việc phấn đấu có hơn 15.000 ha vùng nguyên liệu được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững để từ đó đồng bộ quy trình sản xuất xanh cho sản xuất mủ cao su, gỗ nội thất, việc xanh hóa theo chuỗi đã giúp công ty định vị được thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu về sản phẩm xanh. Vì thế, dù giá bán cao hơn so với mặt bằng chung nhưng công ty vẫn có đơn hàng xuất khẩu đến năm sau.
Ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa, chia sẻ: “Công ty đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững và cách đây hơn 1 tháng cũng được đánh giá lại là rất tốt. Mong muốn của công ty là 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ nhưng cái khó là diện tích trồng rừng của công ty có sự đan xen các hộ tiểu điền trong đó. Vì thế, chúng tôi sẽ vận động và sẵn sàng hỗ trợ các hộ này làm theo mình”.
Từ thành công bước đầu tại một số doanh nghiệp như Công ty CP Cao su Phước Hòa, VRG dự tính nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi. VRG cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ cao su tiểu điền (nông hộ) về kỹ thuật trong việc chọn giống cao su, nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, đồng thời hỗ trợ thu mua với giá tốt và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, qua đó tạo ra những hồ sơ xanh đồng bộ trong toàn ngành