Nâng tầm thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.

Năm 2022, ngày Thương hiệu Việt Nam 20/04 có chủ đề “Nâng tầm vị thế-chắp cánh bay xa”. Thời gian qua, mặc dù chịu tác động của ddajid ịch COVID-19, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi kinh tế đất nước, qua đó nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, ghi tên Việt Nam vào nhóm quốc gia có thương hiệu mạnh.

Nâng tầm thương hiệu Quốc gia Việt Nam - ảnh 1Các đại biểu bấm nút khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022. Ảnh: daibieunhandan.vn

Việt Nam đang được coi là điểm sáng nhờ sự thăng hạng vượt bậc về giá trị Thương hiệu Quốc gia (THQG). Theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia, ba năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Báo cáo từ Brance Finance cho thấy, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD và vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng liên tục qua các năm.

Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc nhiều thương hiệu Việt đã chú trọng xây dựng thương hiệu, gây được tiếng vang trên thị trường. 

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia Thương hiệu, Thành viên Ban Chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhìn nhận: "Muốn có THQG thì phải có những thương hiệu của doanh nghiệp đủ mạnh. Doanh nghiệp muốn có thương hiệu mạnh thì phải có thương hiệu sản phẩm mạnh. Như vậy, bên cạnh các yếu tố về chính trị, ngoại giao, thu hút đầu tư để tạo nên hình ảnh một đất nước, tức là thương hiệu của một Quốc gia, thì thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp là những viên gạch để tạo nên thương hiệu đó. Ngược lại, khi hình ảnh Quốc gia đã được ghi nhận, có uy tín, bắt đầu được chấp nhận trên thị trường quốc tế thì sẽ là bệ đỡ cho những thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên tận dụng cơ hội từ những hoạt động của chương trình THQG".

Nhận định về sự thăng hạng giá trị THQG Việt Nam, các chuyên gia cho rằng kết của này là nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực phát triển nền kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, sự ổn định về chính trị, an toàn và cải thiện liên tục môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chính là chìa khóa giúp Việt Nam tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát được lạm phát cũng chính là yếu tố khiến giá trị THQG của Việt Nam liên tục thăng hạng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu