Nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa – tôm

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
Chia sẻ
(VOV5) - Toàn tỉnh Cà Mau có gần 40.000 ha đất làm mô hình lúa – tôm, tập trung tại các huyện U Minh, Thới Bình và Cái Nước. 

Mô hình lúa – tôm tại Cà Mau từ lâu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Gần đây, người dân áp dụng kỹ thuật mới, trồng các giống lúa chất lượng cao, nuôi thêm tôm càng nên càng cho thu nhập cao hơn. 

Nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa – tôm - ảnh 1Mô hình lúa - tôm giúp người dân Cà Mau có nguồn thu nhập ổn định thời gian qua.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Gia đình bà Nguyễn Thị Mận (ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) vừa thu hoạch xong vụ tôm càng trước tết Nguyên đán. Trên diện tích gần 2ha đất làm mô hình lúa – tôm, vụ tôm càng mang lại cho gia đình bà nguồn thu khá cao. Trước đây, mỗi năm gia đình bà có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/ha. Từ khi nuôi thêm tôm càng nguồn thu tăng lên khoảng 80 triệu đồng/ha; riêng năm nay ước đạt hơn 90 triệu đồng/ha.

“Năm nay trúng mùa, thu được hơn 40 triệu đồng, hiệu quả cao. Được mùa là do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nước ngọt nên trúng vụ lúa, tôm cũng được mùa luôn. Năm nay nuôi tôm rất trúng”, bà Mận phấn khởi. 

Mô hình nuôi xen tôm càng trong ruộng lúa - tôm đã phát triển ở huyện U Minh 3 năm qua. Đến nay, hầu hết hơn 3.000 ha đất làm mô hình lúa – tôm đã thực hiện nuôi thêm tôm càng. Ban đầu người dân nuôi tôm càng không đạt năng suất cao, sau đó, họ được cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật và nuôi tôm càng xanh toàn đực, hiệu quả hơn hẳn. Bình quân năng suất tôm càng đã đạt khoảng 200 – 300 kg/ha.

Tại huyện Cái Nước, một bộ phận người dân đã làm mô hình lúa - tôm gần 20 năm qua. Bà con nuôi tôm sú vào giai đoạn đầu năm, đến khoảng tháng 6, khi mưa nhiều thì bà con cải tạo đất trồng vụ lúa và lập lại như vậy trong thời gian dài. Khoảng 5 năm nay, người dân đã thả xen tôm càng trong vụ lúa để có thêm lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, gần đây người dân được tổ chức thành các Hợp tác xã, cơ quan chức năng địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các xã viên nên bà con ngày càng làm ăn bài bản hơn.

Nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa – tôm - ảnh 2Nuôi thêm tôm càng trong ruộng lúa giúp người dân có thêm lợi nhuận khoảng 20 triệu/ha/năm.

“Tập huấn cho bà con, hướng dẫn về cách rửa mặn, chăm sóc lúa sau khi sạ. Đặc biệt, khi có những biến động thời tiết tác động, bà con biết áp dụng biện pháp kỹ thuật nào phù hợp, bảo vệ vụ mùa tốt hơn. Mô hình lúa tôm thì mùa mặn nuôi tôm sú, mùa ngọt trồng lúa thả thêm tôm càng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”, ông Mai Văn Quốc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Nông nghiệp - Thủy sản Quyết Tiến (ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) cho biết.

Khi vào các Hợp tác xã người dân thực hiện vụ mùa đồng loạt nên dễ quản lý dịch bệnh. Nguồn vật tư, hay các loại giống cũng được cung cấp với giá rẻ hơn. Đặt biệt, sản phẩm tạo ra có sản lượng lớn nên dễ dàng ký kết hợp đồng bao tiêu. Gần đây, người dân chuyển qua trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25,… được thị trường ưa chuộng, giá cao nên thu nhập của các xã viên tăng khá mạnh. Tại Hợp tác xã Dịch vụ, Nông nghiệp - Thủy sản Quyết Tiến thu nhập bình quân của các xã viên tăng đều những năm qua.

Nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa – tôm - ảnh 3Gần đây người dân trồng các giống lúa chất lượng cao cũng giúp tăng thu nhập.

“Các xã viên nuôi tôm hiệu quả cũng khá cao, bình quân mỗi năm tôm sú hay tôm càng đều đạt khoảng 200 – 300 kg/ha. Giá tôm thời gian qua ở mức tương đối. Qua rà soát, các hộ xã viên có thu nhập bình quân từ khoảng 100 – 120 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Minh Khuôl, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú đánh giá.

Toàn tỉnh Cà Mau có gần 40.000 ha đất làm mô hình lúa – tôm, tập trung tại các huyện U Minh, Thới Bình và Cái Nước. Mô hình lúa tôm từ lâu đã được đánh giá là bền vững. Gần đây, người dân có thêm đối tượng nuôi là tôm càng, giúp tăng thu nhập. Đặc biệt, khi bà con được tổ chức vào các Hợp tác xã, kỹ thuật canh tác được nâng lên thì ngày càng làm ăn hiệu quả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu