Nâng cao giá trị trong sản xuất cà phê tại Việt Nam

Sỹ Lam
Chia sẻ
(VOV5) - Trong nhiều năm liền, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil. Mặt hàng này mang lại nguồn ngoại tệ, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và tận dụng được diện tích vùng đồi trong cả nước. Dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu giải quyết tốt khâu đầu tư cơ bản để nâng giá trị thặng dư, lĩnh vực này vẫn có thể giữ vững kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ đô-la Mỹ/năm. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao giá trị trong sản xuất cà phê tại Việt Nam" vừa diễn ra tuần qua tại Hà Nội.

(VOV5) - Trong nhiều năm liền, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil. Mặt hàng này mang lại nguồn ngoại tệ, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và tận dụng được diện tích vùng đồi trong cả nước. Dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu giải quyết tốt khâu đầu tư cơ bản để nâng giá trị thặng dư, lĩnh vực này vẫn có thể giữ vững kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ đô-la Mỹ/năm. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao giá trị trong sản xuất cà phê tại Việt Nam" vừa diễn ra tuần qua tại Hà Nội.


 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:



 

Nâng cao giá trị trong sản xuất cà phê tại Việt Nam - ảnh 1


Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có gần 500 nghìn héc-ta cà phê, mỗi năm xuất khẩu gần 2 triệu tấn đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2013 đạt mức kỷ lục gần 4 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với năm trước đó. Như vậy, cà phê hiện là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hàng nông, lâm sản, hơn cả xuất khẩu gạo. Riêng tỉnh Đắc Lắc chiếm một nửa tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của cả nước, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, Thắng Lợi, Thu Hà…Trên thực tế, cà phê Việt Nam từ lâu được xếp vào loại có chất lượng tự nhiên cao và có hương vị đậm đà, do được trồng ở độ cao lớn so với mặt biển. Tuy nhiên đến nay, gần 90% lượng cà phê xuất khẩu vẫn là cà phê nhân thô. Nông trường cà phê Đắk Đoa- tỉnh Đắc Lắc là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Eurogap, UTZ, 4C…để nâng cao chất lượng cà phê nhân; đồng thời đầu tư cho việc áp dụng những quy trình, công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao giá trị cà phê. Ông Phan Văn Tuyến, giám đốc nông trường cho biết: Khi chưa thực hiện nâng cao chất lượng, cà phê chủ yếu là thô. Nhưng sau đó, sản phảm loại 1 đã tăng từ 65 lên 75%, giảm tối đa sản phẩm thải loại. Nhờ đó mấy năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng lên, đời sống người lao động được cải thiện đáng kể..

 

Nâng cao giá trị trong sản xuất cà phê tại Việt Nam - ảnh 2


Riêng đối với cà phê ở Lâm Đồng, tuy được xếp hàng thứ hai sau Đắc Lắc về diện tích nhưng lại là địa phương đứng đầu về sản lượng hiện nay của cả nước. Nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cà phê và giúp các doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung vượt qua các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, phương hướng chính không phải là tăng diện tích, quy mô, doanh số mà cần tập trung đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới phương pháp chế biến khô sang chế biến ướt để nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm, tổ chức tốt và khép kín các khâu thu mua, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Trọng Nhân, giám đốc công ty cổ phần chế biến cà phê Thắng Lợi, tỉnh Lâm Đồng nói về các giải pháp nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu cà phê trong thời gian tới: Để giữ vững giá cà phê xuất khẩu, theo tôi không tăng diện tích trồng cà phê, tập trung thâm canh, cải tạo những vườn cà phê lâu năm bằng giống mới, năng suất cao. Xây dựng những cơ sở chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao…đồng thời triển khai những chương trình quản lý chất lượng…

 

Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là nghiêng về những thực phẩm đã chế biến hơn là nguyên liệu thô, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi theo hướng xây dựng những thương hiệu mạnh cho cà phê Việt Nam. Ông Lương Văn Tự Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho rằng: Để cà phê phát triển bền vững, Hiệp hội cà phê kiến nghị Chính phủ ổn định diện tích trồng cà phê, ở mức khoảng nửa triệu héc ta. Tỷ lệ cà phê già cũng cần được thay thế để đảm bảo sản lượng. Tập trung nâng cao trình độ chế biến, kỹ thuật thương mại. Bởi các hợp đồng đều giao dịch theo giá tương lai, nên khả năng dự báo thị trường là không thế thiếu…

 

Dù kinh tế thế giới suy thoái, nhưng đây là mặt hàng thiết yếu nên xuất khẩu cà phê Việt Nam không thiếu những cơ hội vàng, với thị trường hơn 5 tỷ người tiêu thụ và giá trị lên đến 600 tỷ đô-la Mỹ/năm. Sản phẩm cà phê Việt Nam ngày càng được các nhà nhập khẩu trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, ngay cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Bỉ. Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, để giành được nhiều lợi nhuận hơn nữa trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần xây dựng ngành sản xuất chế biến cà phê Việt Nam phát triển bền vững./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu