Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 861 nghìn tấn gạo, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm 2018, Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo.
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Phải tạo ra chuỗi giá trị, trong đó, vai trò dẫn dắt đầu tầu của doanh nghiệp rất quan trọng. Bởi, một mình người nông dân không thể tiếp cận được thị trường. Trong khi, doanh nghiệp có lợi thế về huy động vốn, khoa học công nghệ, quan trọng tìm kiếm về thị trường. Việc tổ chức sản xuất và liên kết với người nông dân là rất quan trọng. Ngoài chia sẻ về lợi ích thì cần chia sẻ cả về rủi ro. Nếu như doanh nghiệp và người nông dân có hướng như vậy thì sẽ bền vững hơn”.
Giá gạo của Việt Nam hiện cũng cao hơn trước. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2017 là 450 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu những tháng đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn.